Tại sao Smart Home cần đến bảo mật?

Tommy_Nguyen

Moderator
Thành viên BQT
06/04/2022
24
41 bài viết
Tại sao Smart Home cần đến bảo mật?
Hà Nội lại sắp bước vào thu, những cơn mưa đầu mùa đang dần thay thế cho những buổi trưa hè rực lửa. Trên khắp các nẻo đường đã bắt đầu xuất hiện các quầy bán bánh trung thu quen thuộc. Bầu trời dần cao và xanh hơn, những chiếc lá vàng đã bắt đầu rơi trên những con ngõ nhỏ, rơi như cái cách mà bảo mật đang bị rơi rụng khắp nơi trong thời kỳ chuyển đổi số này vậy :v

1691381719027.png


Luyên thuyên chút xíu vậy thôi, chứ anh em Whitehat cũng có ý thức bảo mật cao lắm chứ bộ! Quay lại chủ đề chính nè, hôm nay Tommy tui đây sẽ mang đến cho các bạn một đề tài thú vị mà cũng không kém phần hấp dẫn, đó là Security trong Smart home.

“Nhà có thể lớn, có thể nhỏ, có thể không khang trang” – Nhưng nếu đã thông minh thì cần phải đi kèm với bảo mật – trích Đen Vâu x Tommy :)

Smart home (nhà thông minh) là một khái niệm ngày càng phổ biến trong cuộc sống hiện đại, nơi mà công nghệ thông tin và mạng máy tính đã thúc đẩy sự tiến bộ và tiện lợi trong các hoạt động hàng ngày của con người. Internet of Things (IoT) đóng vai trò quan trọng trong việc biến các ngôi nhà truyền thống thành những không gian sống thông minh, nơi mà các thiết bị điện tử và hệ thống tự động hoá có khả năng tương tác, trao đổi thông tin và thực hiện các tác vụ một cách tự động. Trong môi trường nhà thông minh đó, từ những chiếc đèn, máy điều hòa, quạt trần đến hệ thống an ninh, camera giám sát, thiết bị gia dụng,… đều có khả năng hoạt động một cách độc lập sao cho phù hợp với sự cài đặt và cấu hình của người dùng thông qua điện thoại thông minh hoặc thiết bị điều khiển. Sự phổ biến của các thiết bị thông minh này đã mang lại nhiều tiện ích và tiến bộ đáng kể trong cuộc sống hàng ngày, từ việc giảm thiểu sự lãng phí năng lượng, tăng cường sự an toàn cho đến cải thiện chất lượng cuộc sống.

Tuy nhiên, việc triển khai các thiết bị thông minh trong nhà cũng đồng nghĩa với việc mở ra nhiều cơ hội mới cho các cuộc tấn công mạng và xâm nhập vào không gian riêng tư của người dùng. Mỗi thiết bị kết nối mạng lại là một điểm tiếp tuyến có thể bị tấn công và chiếm quyền điều khiển bởi kẻ xâm nhập. Hơn thế nữa, việc thu thập và sử dụng thông tin riêng tư của người dùng từ các thiết bị thông minh cũng gây nên những lo ngại về quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu. Do đó để có thể sử dụng nhà thông minh một cách an toàn, người dùng cần nhận thức được về các nguy cơ an toàn thông tin và thực hiện các biện pháp bảo mật thích hợp để ngăn chặn các nguy cơ đó.

Okay, hãy cũng Tommy tìm hiểu về các nguy cơ an toàn thông tin trong Smart home nào!

Các nguy cơ ATTT trong Smart home​

Không dài dòng và lan man, dưới đây là một số các nguy cơ phổ biến trong Smart home:
  • Chiếm quyền điều khiển các thiết bị thông minh trong nhà: Việc chiếm quyền điều khiển những thiết bị này có thể cho phép kẻ tấn công thực hiện các hành động độc hại như tắt/mở đèn, điều chỉnh nhiệt độ hoặc thậm chí là gian lận với hệ thống an ninh. Các bạn chưa thấy tác hại phải không? Hãy thử tưởng tượng bạn đang viết tài liệu cho một dự án quan trọng, và bùm! Hệ thống chữa cháy của nhà bạn phun nước như chưa bao giờ được phun, và toàn bộ laptop cũng như tài liệu quan trọng của bạn đều đi đời!
  • Kiểm soát và quản lý thông tin riêng tư của gia đình: Các thiết bị thông minh trong nhà thường thu thập dữ liệu về các hoạt động của người dùng như lịch trình, thói quen hoạt động và sở thích. Nếu không được bảo mật một cách đúng đắn, dữ liệu này có thể bị lộ và vi phạm quyền riêng tư của gia đình. Bạn lại chưa thấy chúng có tác hại gì đáng kể phải không? Ví dụ thông qua các thiết bị IoT kẻ xấu sẽ biết bạn thường đi vắng vào khoảng 10h sáng hằng ngày, và nhân những lúc như thế chúng sẽ tổ chức đột nhập và trộm cắp tài sản của bạn! Hoặc ví dụ điển hình nhất ngoài đời thật đó là về ca sĩ V.M.H vào năm 2019-2020 đã bị kẻ xấu truy cập vào hệ thống camera riêng tư và phát tán video lên mạng.
  • Làm giả mạo hoặc sai lệch dữ liệu: Tai hại hơn so với việc thu thập dữ liệu, kẻ xấu cũng có thể làm giả các dữ liệu đó, gây ảnh hưởng tới danh dự và nhân phẩm của chủ sở hữu ngôi nhà. Bạn có bao giờ tưởng tượng rằng hình ảnh của bạn trong camera cũng có thể bị làm giả bởi công nghệ DeepFake không?
Ngoài ra còn rất nhiều các nguy cơ khác nữa mà mình không thể đề cập hết ở đây được. Hầu hết các nguy cơ trên đều có thể bị kẻ xấu thực hiện thông qua hai con đường chính:
  • Tấn công từ xa thông qua mạng: Các kẻ xâm nhập có thể tìm kiếm các lỗ hổng trong hệ thống mạng Smart home và xâm nhập từ xa vào các thiết bị. Các bạn có thể lên trang web cve.org và sẽ thấy được rất nhiều các lỗ hổng liên quan tới IoT cũng như Smart home.
  • Tấn công vật lý vào các thiết bị trong ngôi nhà: Kẻ xấu có thể đặt một thiết bị phần cứng vào mạng nội bộ của ngôi nhà như Raspberry hoặc Arduino và truy cập vào mạng nội bộ thông qua các thiết bị đó
Phần tiếp theo Tommy tui sẽ đề cập đến các biện pháp bảo mật cụ thể để giảm thiểu các nguy cơ an ninh trong nhà thông minh.

Các biện pháp bảo mật trong Smart home​

1691382166137.png


Dưới đây là một số các biện pháp bảo mật quan trọng để giảm thiểu các nguy cơ an ninh trong Smart home:
  • Sử dụng mật khẩu mạnh và đổi mật khẩu định kỳ đối với các thiết bị mạng, router: Đảm bảo sử dụng mật khẩu mạnh, bao gồm ký tự chữ thường, chữ hoa, số và ký tự đặc biệt. Thay đổi mật khẩu định kỳ để tránh việc lộ thông tin và truy cập trái phép.
  • Tách mạng IoT và mạng nhà thông minh khỏi mạng chính: Tạo các mạng riêng biệt cho các thiết bị thông minh và không kết nối chúng trực tiếp với mạng chính. Điều này giảm thiểu khả năng lan truyền của các cuộc tấn công mạng từ các thiết bị thông minh đến các thiết bị khác trong nhà. Ngoài ra nếu có thể sử dụng mạng riêng ảo (VPN) cho các thiết bị IoT được thì càng tốt.
  • Sử dụng mạng khách riêng cho các thiết bị của khách: Nếu có khách đến nhà, nên cung cấp mạng Wi-Fi riêng biệt cho họ, thay vì chia sẻ mạng chính. Điều này giúp giữ cho mạng chính của gia đình an toàn khỏi các nguy cơ tiềm tàng từ các thiết bị khách.
  • Cập nhật phần mềm và firmware định kỳ: Hãy đảm bảo thường xuyên cài đặt các bản cập nhật mới nhất cho các thiết bị thông minh và hệ thống mạng trong nhà. Đối với những người dùng không chuyên về Công nghệ thông tin thì hãy sử dụng các công cụ cập nhật tự động, điều này giúp đảm bảo những bản cập nhật mới nhất luôn được triển khai một cách tự động và kịp thời.
  • Theo dõi hoạt động của các thiết bị: Theo dõi hoạt động của các thiết bị thông minh và kiểm tra lịch sử hoạt động của chúng để phát hiện các hành vi bất thường. Điều này giúp phát hiện sớm các hoạt động xâm nhập và phản ứng kịp thời để đối phó.
  • Học hỏi và nâng cao nhận thức về an toàn thông tin trong Smart home: Học không bao giờ là thừa, vậy nên trước khi quyết định sử dụng Smart home thì hãy học hỏi một cách kỹ lưỡng về các thiết bị thông minh cũng như cách sử dụng chúng sao cho an toàn.
Ngoài ra cũng còn rất nhiều các biện pháp khác nữa mà người dùng nên áp dụng, tuy nhiên những điều mà Tommy nói trên đây là những điều tối thiểu mà một người dùng Smart home cần biết để có thể đảm bảo sự an toàn của bản thân cũng như gia đình trước các mối đe dọa.

Kết luận​

Nhà thông minh là một xu hướng ngày càng phổ biến và tiềm năng trong tương lai. Tuy nhiên, để tận hưởng các tiện ích của nó một cách an toàn, người dùng cần đặc biệt chú trọng đến các biện pháp bảo mật. Với sự kết hợp của kiến thức, sự cảnh giác và các biện pháp bảo mật thích hợp, ngôi nhà thông minh sẽ trở thành một không gian sống tiện nghi, an toàn và đáng tin cậy cho gia đình.

Bài viết này chắc cũng dừng lại ở đây thôi! Vậy hen!

Tommy
 
Mời các bạn tham gia Group WhiteHat để thảo luận và cập nhật tin tức an ninh mạng hàng ngày.
Lưu ý từ WhiteHat: Kiến thức an ninh mạng để phòng chống, không làm điều xấu. Luật pháp liên quan
Thẻ
iot smarthome
Bên trên