Inside Cyber Warfare - Chương XIV: Tiến hành đồng thời các chiến dịch trên không gian mạng (Phần 2)

WhiteHat News #ID:2018

WhiteHat Support
20/03/2017
129
444 bài viết
Inside Cyber Warfare - Chương XIV: Tiến hành đồng thời các chiến dịch trên không gian mạng (Phần 2)

Mạng xã hội bùng nổ cũng là lúc các tổ chức chính trị lợi dụng nó để thực hiện các cuộc lật đổ chế độ. Nhưng Nga đã không để điều đó xảy ra ở nước mình.

Mạng xã hội: Sự đầu tư chiến lược về địa chính trị của Nga vào các mạng xã hội​

Chapter 14_3.png

Có một bộ ba cá nhân quyền lực thúc đẩy sự phát triển Internet của Nga cũng như các khoản đầu tư của nước này vào không gian mạng, đồng thời phục vụ lợi ích cho cả điện Kremlin. Đó là Gleb Pavlovsky (người sáng lập tổ chức FEP), Vladislav Surkov (Phó Chánh văn phòng của Tổng thống Liên bang Nga) và Yuri Milner (Tổng Giám đốc điều hành công ty DST Global). Nguồn gốc quyền lực và tầm ảnh hưởng của họ bắt đầu vào giữa những năm 90 khi Internet của Nga vẫn còn ở thuở sơ khai. Ngày nay, với mạng xã hội như Twitter, Facebook và Youtube phát trực tiếp những thay đổi chế độ đang lan rộng khắp Bắc Phi và Trung Đông, các chính trị gia và doanh nhân am hiểu về Internet là những nhà môi giới quyền lực mới trong điện Kremlin.

Gleb Pavolvsky

Những năm 90 là thời kỳ hình thành Internet ở Nga (RuNET), phần nào do Gleb Pavlovsky và tổ chức FEP do ông sáng lập đi đầu. Pavlovsky đã sớm nhìn thấy giá trị của một mạng lưới Internet ở Nga và là người có công trong việc thành lập trang tin trực tuyến đầu tiên của Nga - Russkiy Zhurnal, đồng thời giúp tổ chức và tài trợ cho việc thành lập trang Lenta.ru, Gazeta.ru và các trang khác. Ông tham gia vào 4 chiến dịch tranh cử tổng thống vào các năm 1996, 2000, 2004 và 2008. Nhà xuất bản Yevropa của Pavlovsky đã xuất bản Biên niên sử Chiến tranh thông tin của Maksim Zharov và Timofey Shevyakov, ghi lại các cuộc chiến trên mạng giữa tin tặc Nga và Georgia trong suốt 5 ngày vào tháng 08/2008. Cuốn sách đã mở đầu bằng đoạn văn sau:

Chiến tranh mạng luôn là “tài sản đặc thù” của Internet - và không ai quan tâm ngoài đời. Cuộc chiến 5 ngày cho thấy Mạng là một mặt trận giống như các phương tiện truyền thông truyền thống nhưng phản ứng nhanh hơn với quy mô lớn hơn nhiều. Tháng 08/2008 là khởi điểm cho các cuộc xung đột thực tế ảo và cũng là lúc cần thừa nhận phải tiến hành chiến tranh trong lĩnh vực thông tin.

Kể từ ngày 27/04/2011, Pavlovsky và tổ chức FEP đã không còn được điện Kremlin ủng hộ vì những ly do chính trị liên quan đến cuộc bầu cử đang đến gần năm 2012. Theo hãng tin RIA Novasti, đích thân Vladislav Surkov đã hủy hợp đồng với FEP.

Vladislav Surkov

Vladislav Surkov, hay còn được gọi là “Quân sư áo xám” và “Hoàng tử bóng đêm của Điện Kremlin”, đã làm việc tại ngân hàng Menatep dưới quyền Mikhail Khodorkovsky – người sáng lập ngân hàng này (1991-1996). Surkov trở thành Phó Chánh văn phòng của Tổng thống Liên bang Nga vào năm 1999, cùng năm Boris Yeltsin từ chức và Vladimir Putin nắm quyền Tổng thống (cho đến khi cuộc bầu cử chính thức diễn ra vào năm 2000). Surkov được xem là nhà tư tưởng đại tài của Điện Krelim và là người ủng hộ nhiệt tình hoạt động trực tuyến nhằm hỗ trợ lợi ích của Liên bang Nga và Đảng nước Nga thống nhất. Sau Cuộc cách mạng Hoa Tulip ở Kyrgyzstan (2005), Surkov đã thành lập một tổ chức thanh niên tên là Nashi (của Chúng ta) với mục đích khi đó là hỗ trợ Tổng thống Putin và Đảng nước Nga thống nhất chống lại các nhóm đối lập cả ở thế giới thực và thế giới mạng. Nashi được tài trợ một phần bởi Cơ quan liên bang về các vấn đề thanh niên, đứng đầu là người đồng sáng lập Vasily Yakemenko.

Vào ngày 21/05/2009, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã ký một sắc lệnh thành lập một ủy ban tổng thống về hiện đại hóa và phát triển công nghệ nền kinh tế Nga. Medvedev là Chủ tịch, Vladislav Surkov là một trong hai phó chủ tịch (Sergey Sobyanin, Chánh văn phòng Chính phủ và Phó Thủ tướng là người còn lại). Yuri Milner là một nhân viên phi chính phủ duy nhất phục vụ trong ủy ban, điều này khiến việc gia nhập của ông rất có ý nghĩa.

Chapter 14_4.png

Bộ 3 quyền lực (từ trái sang phải): Vladislav Surkov, Gleb Pavolvsky và Yuri Milner

Yuri Milner

Sau khi tốt nghiệp trường kinh doanh Wharton, Yuri Milner làm việc tại bang Washington DC cho Ngân hàng thế giới đến mùa xuân 1995 khi ông được Mikhail Khodorkovsky tuyển dụng để điều hành một công ty môi giới của mình, có tên AllianceMenatep. Tháng 02/1997, Milner trở thành Phó chủ tịch kiêm Trưởng phòng quản lý đầu tư của ngân hàng Menatep. Trong suốt 2 năm, Milner đã tham gia vào việc đánh giá các cơ hội đầu tư cho ngân hàng, đặc biệt là tài sản trên Internet. Trong khi đó tại Menatep, ông đã thành lập quỹ đầu tư New Trinity. Khi ngân hàng này bị tước giấy phép vào năm 1999 vì sai phạm tài chính (Khodorkovsky hiện thụ án trong tù ở Nga), Milner đã mở chi nhánh riêng và vào năm 2000 cho ra mắt công ty dịch vụ Internet có tên NetBridge, rất có thể được cấp vốn bởi New Trinity. Tháng 2/2001, NetBridge sát nhập với một công ty Internet khác (Port.ru) và trở thành Mail.ru, mà 10 năm sau dưới sự lãnh đạo của Milner đã kiếm được 1 tỷ đô la khi lần đầu phát hành cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán London.

Mail.ru ban đầu là dịch vụ báo chí cho một tập đoàn lớn của Nga tên là Neftyanoi Concern, một công ty cổ phần lớn đầu tư vào lĩnh vực tài chính (Neftyanoi Bank), năng lượng, bất động sản, lượng thực và Internet. Năm 2003, Milner từ CEO/Chủ tịch của Mail.ru thành Tổng giám đốc điều hành và Chủ tịch Hội đồng quản trị của Neftyanoi Concern. Năm 2005, Ngân hàng Neftyanoi bị cáo buộc rửa tiền và Giám đốc điều hành Igor Linshits, cuối cùng đã trốn khỏi đất nước. Milner không bị buộc tội về bất kỳ hành vi sai trái nào nhưng giai đoạn này của cuộc đời không được tiết lộ trong bản cáo bạch của Goldman Sachs cho đợt IPO của Mail.ru, cũng như không đề cập trong tiểu sử của ông tại trang Digital Sky Technologies trước đây.

2005: Bước ngoặt​

Năm 2015 là năm bản lề với Chính phủ Nga. Những nhà truyền bá Internet lâu năm là Pavlovsky và Surkov đã có một sự kiện cụ thể (Cách mạng hoa Tulip) để chứng minh Điện Kremlin cần phải đầu tư vào công nghệ Internet. Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 06/2005 với Thời báo St. Petersburg, Surkov đã nói rằng sẽ không có Cách mạng Cam tại Nga:

Surkov, người giám sát mối quan hệ giữa Điện Kremlin với các đảng phái chính trị, quốc hội và các tổ chức thanh niên cho biết: “Ở đây, sẽ không có cuộc nổi dậy nào cả. Tất nhiên, chúng tôi nhận ra rằng những sự kiện này tác động lớn đến nhiều chính khách tại Nga và với nhiều tổ chức phi chính phủ nước ngoài có thể muốn thấy kịch bản đó lặp lại tại Nga”.

Cũng vào năm 2005, Yuri Milner rời tổ chức Neftyanoi Concern và sáng lập ra Digital Sky Technologies (DST) với đồng sáng lập là Gregory Fingar của Quỹ New Century Investments. Từ năm 2005 trở đi, mạng Internet của Nga không chỉ là nơi dành cho kinh doanh mà còn trở thành nền tảng chiến đấu mới mà ở đó những cuộc tấn công được phát động nhắm vào các phần tử trong và ngoài nước ở cấp độ hoàn toàn ẩn danh. Ngoài ra, nó đã cung cấp một hoạt động tình báo nguồn mở tự gây quỹ cho Cơ quan An ninh Liên Bang Nga, nhờ vào sự phổ biến của mạng xã hội trên toàn thế giới – chính các mạng lưới mà Milner và DST đang không ngừng đầu tư vào. Khi các khoản đầu tư tăng lên, thì Điện Kremlin cũng tăng cường sử dụng không gian mạng làm nền tảng tấn công. Kyrgyzstan (2005), Estonia (2007), Georgia (2008) và có thể cả Kyrgyzstan again (2009) là 4 ví dụ nổi tiếng về các cuộc tấn công trên Internet chống lại các đối thủ bên ngoài.

Tuy nhiên, Internet ở Nga cũng được dùng để kiểm soát sự bất đồng chính kiến trong nước. Tháng 03 năm 2009, Vladislav Surkov đã tổ chức một cuộc hội thảo gồm các blogger hàng đầu của Nga để công bố một chiến lược Internet mới cho các chiến dịch có tầm ảnh hưởng:

“Mục đích của hội thảo là vạch ra chiến lược cho các chiến dịch thông tin trên Internet. Nó được xây dựng theo công thức sau: Mọi lời thách thức đều phải bị đáp trả hay tốt hơn hết là đáp trả đồng thời gấp đôi”, theo một nguồn tin thân cận với quá trình chuẩn bị hội nghị. “Nếu phe đối lập tung ra một ấn phẩm Internet, Điện Kremlin sẽ phát động 2 đòn đáp trả. Nếu một người dùng lên LiveJournal rêu rao về các cuộc biểu tình tại Vladivostok, 10 nhà thao túng thông tin của Điện Kremlin sẽ truy cập vào blog của anh ta và cố thuyết phục khán giả rằng mọi thứ được viết ra đều là dối trá”.

DST và Điện Kremlin

Tháng 5 năm 2009, Yuri Milner đồng thời được đề bạt vào Ủy ban Tổng thống (15/05) và hoàn tất khoản đầu tư 200 triệu đô đầu tiên vào Facebook (25/06). Sáu tháng sau, vì tiếp tục đầu tư vào các công ty truyền thông xã hội của Mỹ, ông đã được Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ định thực hiện một dự án dài kéo dài gần một năm nhằm phân tích quy mô và hình thức phát tán nội dung trái phép trên RuNET. Kỳ lạ thay, khi thông tin này được công khai trên một bài blog đăng trên Forbes.com, luật sư của Milner đã gửi một lá thư đến Tổng biên tập của Forbes, thẳng thừng phủ nhận rằng khách hàng của mình đã từng đảm nhận vị trí như vậy: “Ông Milner chưa bao giờ lãnh đạo hoặc tham gia vào các nỗ lực của Bộ Truyền thông nhằm trấn áp nội dung bất hợp pháp trên RUNET”.

Phản ứng của Milner đối với bài đăng mà Forbles đã xóa ngay lập tức sau khi nhận được đơn khiếu nại (Forbes cũng chưa tiến hành bất kỳ hoạt động xác minh tính xác thực nào trước đó), chứng tỏ ông đã quản lý cẩn thận việc công khai lý lịch cá nhân của mình đến mức nào, đặc biệt là bất kỳ điều gì tiết lộ mối quan hệ thân tình với Điện Kremlin. Ngay cả khi trang web của DST đã thay đổi từ một website nhiều trang con mà liệt kê tất cả các tài sản trên Internet thành một trang duy nhất (www.dst-global.com) không có gì ngoài tên DST và một địa chỉ email.

Năm 2010, DST đã thực hiện một loạt các khoản đầu tư vào các công ty mạng xã hội của Mỹ gồm có Zynga, Groupon và ICQ, tuy nhiên Facebook vẫn là mối quan tâm chính. Sau khoản đầu tư 200 triệu đô ban đầu của DST, công ty này đã đề nghị chào mua 100 triệu đô cổ phiếu của nhân viên Facebook. Sau đó, vào tháng 01/2011, DST đã đồng dẫn đầu vòng gọi vốn 500 triệu đô với Goldman Sachs để trở thành một trong những nhà đầu tư tổ chức lớn nhất của Facebook, sở hữu khoảng 10% cổ phần của công ty. DST và các đối tác của mình sẽ thu được lợi nhuận lớn từ đợt IPO không thể tránh khỏi của Facebook có thể vào năm 2012 hoặc 2013. Trong khi đó, vào ngày 05/11/2010, DST đã đổi tên thành Tập đoàn Mail.ru và huy động được gần 1 tỷ USD trong đợt IPO lên sàn giao dịch chứng khoán London. Họ tách ra thành một công ty đầu tư mới gọi là DST Global để tiếp tục tập trung vào việc đầu tư vào Internet.

Vài tháng sau, chính phủ Nga thông báo rằng Giám đốc điều hành của Tập đoạn Mail.ru Dmitry Grishin sẽ là thành viên của Liên đoàn An toàn Internet, mới được thành lập dưới sự bảo trợ của Bộ Truyền thông và đứng đầu là Bộ trưởng Igor Shchyogolev. Mục đích chính của Liên đoàn này là đấu tranh chống lại những nội dung khiêu dâm trẻ em và thậm chí cả các nội dung “tiêu cực” khác bằng cách tuyển dụng hàng nghìn tình nguyện viên làm cảnh sát Internet không chính thức. Khả năng một hệ thống như vậy sẽ được sử dụng để hạn chế quyền tự do ngôn luận – hiện được tìm thấy trên RuNET – đã khiến các nhà báo và blogger Nga chú ý, những người lo ngại nó sẽ dẫn đến một kiểu kiểm duyệt như tại Trung Quốc.

Cuộc cách mạng Facebook

Nếu Cách mạng hoa Tulip năm 2005 khiến Vladislav Surkov phải thực hiện các bước để đảm bảo Cách mạng Cam không xảy ra tại Nga, hãy tưởng tượng tác động mà các cuộc cách mạng được điều hướng bởi truyền thông tại Ai Cập, Tunisia và Li-băng đang gây ra cho Điện Kremlin. Tổng thống Nga Dmitry Medvedev bày tỏ ngắn gọn quan điểm về chủ đề này tại phiên họp của Ủy ban chống khủng bố quốc gia tại Vladikavkaz, Nam Ossetia vào ngày 22/02/2011: “Họ đã chuẩn bị trước một kịch bản như vậy cho chúng tôi. Và bây giờ họ sẽ cố gắng áp dụng nó vào thực tế. Nhưng, trong mọi trường hợp, kịch bản này sẽ không thành công”.

Chapter 14_5.png

Tổng thống Medvedev không chỉ đích danh “họ” là ai trong suốt cuộc thảo luận; tuy nhiên báo chí Nga nhanh chóng gắn “họ” dựa vào sự bất mãn của Nga về vai trò của phương Tây trong các cuộc cách mạng màu tại Geogia, Ukraine và Kyrgryzstan vào những năm 2000. Báo chí Nga – Thời báo Moscow là tờ báo nổi bật nhất chỉ ra các cuộc thảo luận ngày càng nhiều về sự thay đổi chế độ của Nga đang diễn ra trên LiveJournal, Facebook và Twitter. Thời báo này lưu ý rằng, cả ba nền tảng này được xem là công cụ huy động người biểu tình tại Bắc Phi, đặc biệt là Ai Cập.

Phó Thủ tướng Igor Sechin tán thành quan điểm của thời báo này bằng cách chỉ đích danh Google là lực lượng đứng sau sự thay đổi chế độ ở Ai Cập. Trao đổi với Tạp chí phố Wall, ông Sechin cho biết: “Nên nghiên cứu kỹ hơn các sự kiện tại Ai Cập để xem các quản lý cấp cao của Google đã làm gì, những kiểu thao túng quyền lực của người dân đã diễn ra ở đó”.

Tuy nhiên, góc nhìn bao quát nhất, được Thiếu tướng lực lượng dân quân Vladimir Ovchinsky (Cựu Cục trưởng cục Interpol Nga và cố vấn hiện tại của Chủ tịch Tòa án Hiến pháp Liên bang Nga) tán thành trong một cuộc phỏng vấn vào ngày 03/03/2011 với Tờ Moscow Komsomolskaya Pravda Online. Theo Tướng Ovchinsky, về phương diện không gian mạng của các sự kiện gần đây đã được những người đứng đầu các công ty công nghệ phương Tây dàn dựng để hỗ trợ các mục tiêu chính trị của Chính quyền Obama. Vị tướng này bóng gió rằng, một bữa tiệc trưa bí mật tại Nhà Trắng với những người đứng đầu Apple, Google, Twitter, Yahoo!, Netflix và Oracle đã được tổ chức sau khi Mubarak (Tổng thống Ai Cập) từ chức để ăn mừng thành công gần đây của Mỹ. Ông cho biết, Tổng thống Mỹ đang mở rộng các kỹ thuật Internet được phát triển suốt chiến dịch tranh cử năm 2008: “Barack đang nắm bắt thời cơ và đẩy mạnh dưới sự trợ giúp của công nghệ hiện đại, để mở rộng chiến thắng của Tunisia – Ai Cập đến các quốc gia khác trong khu vực và xa hơn trên toàn thế giới.

Để đáp lại, theo một bài báo trên tờ Thời báo St. Petersburg ngày 02/03/2011, Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) và Bộ Nội vụ (MVD) đề xuất sửa đổi Bộ luật hình sự để buộc các chủ sở hữu các mạng xã hội chịu trách nhiệm cho nội dung được đăng tải trên trang của họ. Bài báo nêu rõ rằng các sửa đổi có thể buộc các trang phải ghi lại dữ liệu hộ chiếu nội bộ cho mỗi lần đăng ký, làm cơ sở nhận dạng cá nhân sử dụng trang này. Bài báo chỉ ra rằng cả FSB và MVD đều duy trì các thành phần hoạt động trên Internet (Đơn vị K của MVD và Trung tâm an ninh thông tin FSB) để nhận dạng các phần tử “cực đoan”. Bài báo cũng nêu rằng Luật cảnh sát được thông qua gần đây có chứa ngôn từ mơ hồ cho phép cảnh sát ra lệnh cho bất kỳ tổ chức nào thay đổi và chấm dứt các hoạt động cấu thành hành vi phạm tội dưới bất kỳ hình thức nào.

Các dịch vụ mạng xã hội lại không bị giới hạn bởi biên giới quốc gia. Facebook có gần 600 triệu thành viên, phần lớn cư trú bên ngoài Mỹ. DST đã sở hữu và kiểm soát phần lớn các mạng xã hội của Nga cùng các đối tác Tencent và Naspers, họ thống trị truyền thông xã hội toàn cầu. Điều này cung cấp một nền tảng duy nhất cho chính phủ Nga để tiến hành các chiến dịch có tầm ảnh hưởng, thu thập thông tin tình báo và chiến tranh thông tin. Đó là do môi trường chính trị độc nhất tồn tại bên trong Liên bang Nga, nơi các mối quan hệ được xây dựng dựa trên lợi ích và kết thúc khi hết giá trị (ví dụ: việc Surkov chấm dứt hợp đồng gần đây của Pavlosky). Dòng thời gian về các khoản đầu tư lợi nhuận cao gần đây của DST cho thấy mối liên kết của chính phủ tương ứng ngay trước hoặc sau mỗi khoản đầu tư:

Ngày 26 tháng 05 2009

DST đầu tư 200 triệu đô vào Facebook. Chỉ trước đó vài ngày, họ thông báo rằng Yuri Milner đang phục vụ trong Ủy ban Tổng thống, vào tháng 11 cùng năm, Milner đã dẫn đầu một cuộc khảo sát của Bộ Truyền thông về nội dung bất hợp pháp trên RuNET.

Tháng 04 năm 2010

DST mua ICQ từ AOL và nhận một khoản đầu tư 300 triệu đô từ Tencent. Tháng 08 năm 2010 Milner phục vụ trong Ủy ban Chính phủ về Công nghệ cao, do Putin làm Chủ tịch.

Tháng 11 năm 2010

Việc IPO của Mail.ru Group huy động được 1 tỷ đô trên Sàn giao dịch chứng khoán London. Vào tháng 02 năm 2011 CEO của Tập đoàn này ngồi vào ghế của Hội đồng An toàn Internet mới. Hiện nay, Yuri Milner và DST Global đang đạt được những thành công vượt trội tại Silicon Valley. Mỗi công ty khởi nghiệp bước ra từ vườm ươm công nghệ Y Combinator nhận được 150.000 đô từ DST. Các quỹ đầu tư mạo hiểm truyền thống đã phải sửa lại bản điều khoản đầu tư của họ trước sự hào phóng của DST. Bộ công cụ đầu tư mới (DST-Global 2) đã được thiết lập để các nhà đầu tư phương Tây tận dụng mô hình kinh doanh thành công của DST. Tuy nhiên, không có bản thuyết minh đầu tư hoặc tiểu sử công ty nào có chứa thông tin về các hoạt động của Milner thay mặt cho Chính phủ Nga, cũng như thời gian ông làm việc tại Neftyanoi hay Menatep, hay như cách ông tránh bị điều tra khi những người đứng đầu của hai công ty bị kết tội. Các nhà đầu tư và đối tác kinh doanh của DST Global và DST Global 2 nên được thông báo đầy đủ về mối quan hệ giữa công ty với các quan chức và chính phủ Nga vì Điện Kremlin chắc chắn có liên quan đến họ.

Ở phần cuối, hãy cùng xem Huawei đã "lách luật" như thế nào trước các chính sách kiểm tỏa của Mỹ.

Nguồn: Inside Cyber Warfare
Tác giả: Jeffrey Carr
 
Mời các bạn tham gia Group WhiteHat để thảo luận và cập nhật tin tức an ninh mạng hàng ngày.
Lưu ý từ WhiteHat: Kiến thức an ninh mạng để phòng chống, không làm điều xấu. Luật pháp liên quan
Thẻ
inside cyber warfare jeffrey carr
Bên trên