Blockchain, Cryptocurrency và ứng dụng trong Security (Phần 3)

Tommy_Nguyen

Moderator
Thành viên BQT
06/04/2022
23
41 bài viết
Blockchain, Cryptocurrency và ứng dụng trong Security (Phần 3)
Hello các bạn, lại là Tommy đây!!! Sau một thời gian dài bận bịu với công việc (trong đó có cả buổi livestream hôm 15/09 nữa ^^) thì mình nhận thấy rằng mình đang “gà ủ muối” series này quá lâu rồi. Người ta thường nói “nước trong thì không có cá, mà người ngâm lâu quá thì không ai care”, nên nhân dịp đang bị dí deadline thì mình quyết định sẽ trả bài cho series này luôn.

nft.jpg

Được rồi, không để mất nhiều thời gian nữa, hôm nay chúng ta sẽ đến với phần cuối của series “Blockchain, tiền điện tử cũng như các ứng dụng của nó trong Security”. Các bạn có thể xem lại các bài viết phần 1, phần 2phần spin-off tại đây.

Nếu để ý một xíu thì các bạn sẽ thấy tiêu đề của series này ngay từ đầu đã được chia ra làm 3 phần chính một cách có chủ đích:
  • “Blockchain”: khái niệm này đã được mình giới thiệu rất chi tiết trong bài viết đầu tiên của series.​
  • “Cryptocurrency”: phần này thì mình đã dành hẳn 2 bài viết, trong đó có 1 bài viết chính và 1 bài viết “spin-off” nói về đồng tiền điện tử LUNA.​
Nói đến đây thì các bạn cũng có thể đoán ra được chủ đề của buổi đàm đạo ngày hôm nay rồi phải không nào. Đúng vậy, trong bài viết này mình sẽ giới thiệu tới các bạn về các ứng dụng của Blockchain trong Security (và trong cả non-Security nữa). Ngoài ra bài viết cũng sẽ đề cập tới một vấn đề đang khá hot trong thời gian gần đây, đó là về việc kiếm tiền từ game NFT.

1. Ứng dụng của Blockchain trong Security​

Trên thực tế là ở Việt Nam thì ứng dụng của Blockchain trong Security vẫn chưa thực sự phát triển, hay nói đúng hơn là gần như chưa có ai đứng ra thực hiện điều đó cả. Tuy nhiên ở trên thế giới thì người ta đã làm điều này rất nhiều rồi, nên trong bài viết này có thể những giải pháp mà mình giới thiệu sẽ còn khá mới lạ đối với ngành CNTT ở Việt Nam.

Đầu tiên, trước khi bàn luận về ứng dụng của Blockchain trong Security thì hãy cùng nhìn lại những đặc tính ưu việt của Blockchain mà gần như không một hệ thống nào có:
  • Tính toàn vẹn dữ liệu: Mọi dữ liệu một khi đã được lưu vào Blockchain thì không có kẻ xấu nào có thể thay đổi được (bởi bất kỳ sự thay đổi nào cũng sẽ làm mất đi sự liên kết mã băm của Blockchain). Kể cả những người có thẩm quyền vào thay đổi dữ liệu thì mọi hành động đó cũng sẽ được lưu vào trong các Block mới.
  • Tính thống nhất dữ liệu: Blockchain là một trong những hệ thống hiếm hoi có thể đạt tới cảnh giới công khai toàn bộ dữ liệu với người dùng mà không sợ bị kẻ xấu xâm phạm.
  • Khả năng truy xuất nguồn gốc: Mọi sự thay đổi dữ liệu trong Blockchain đều sẽ được ghi vào các Block mới, do đó người quản trị viên hoàn toàn có thể truy xuất nguồn gốc của bất kỳ sự thay đổi nào một cách dễ dàng. Đối với các hệ thống khác thì điều này vẫn có thể đạt được thông qua cơ chế ghi log, tuy nhiên nếu hệ thống có lỗ hổng thì những file log này rất dễ bị sửa đổi hoặc mất mát.
  • Khả năng xử lý logic: Thông qua Smart Contract thì Blockchain hoàn toàn có thể thực hiện các xử lý logic giống hệt với các hệ thống thông thường.
Từ các đặc tính nêu trên, phần lớn các ứng dụng của Blockchain trong Security đều sẽ hướng tới mục đích lưu trữ dữ liệu để đảm bảo tính toàn vẹn và thống nhất của chúng. Ứng dụng tiêu biểu nhất đó là trong lĩnh vực IoT (Internet of Things).

iot 1.jpg

Trong lĩnh vực này, Blockchain sẽ có trách nhiệm lưu trữ mọi dữ liệu mà các thiết bị IoT gửi về. Điều này sẽ giúp cho những người quản trị viên có thể dễ dàng kiểm soát và truy vết dữ liệu nếu có bất kỳ sự cố nào xảy ra. Không những thế, ngày nay việc đảm bảo an toàn thông tin trong hệ thống IoT cũng ngày càng được chú trọng, vậy nên việc áp dụng Blockchain để cải thiện tính toàn vẹn của dữ liệu cũng là một giải pháp mà mình tin chắc rằng trong tương lai sẽ ngày càng phổ biến.

Ngoài ra tính thống nhất dữ liệu của Blockchain cũng sẽ giúp cho các thiết bị IoT có thể tương tác với nhau với độ trễ thấp hơn nhiều so với việc sử dụng một thiết bị quản lý tập trung như Raspberry Pi hoặc Galileo.

Ứng dụng tiếp theo mà mình muốn nhắc tới đó chính là áp dụng Smart Contract vào trong các lĩnh vực giao dịch điện tử.

Trong kỷ nguyên 4.0, không có gì khó hiểu khi an toàn trong giao dịch điện tử là một trong những mối quan tâm hàng đầu của tất cả mọi người. Chúng ta đi mua đồ, đi ăn uống, đi du lịch, … đâu đâu cũng sẽ bắt gặp những mã QR, nào là thanh toán bằng ví điện tử, thanh toán bằng ứng dụng internet banking, … Tất cả những thứ đó đều là các giao dịch điện tử. Mình có lẽ cũng không cần giải thích vì sao lại phải cần đảm bảo an toàn thông tin trong các lĩnh vực này nữa nhỉ :v Tiền là tiên là phật mà, tiền không thể mua được mọi thứ nhưng rất nhiều tiền thì mua được :)

Vậy ứng dụng của Blockchain trong lĩnh vực này sẽ như thế nào? Các bạn có còn nhớ rằng Smart Contract có thể xử lý các tính toán logic giống hệt như những phần mềm thông thường không? Chính nhờ vào đặc tính này mà những nhà phát triển sẽ lập trình việc xử lý các giao dịch dựa trên Smart Contract thay vì xử lý trên database thông thường. Với cách làm này, tính bảo mật của hệ thống sẽ được cải thiện lên rất nhiều bởi:
  • Thứ nhất, mọi thay đổi trong các tài khoản ngân hàng, ví điện tử, … đều sẽ được lưu trữ vào các Block theo thời gian, do đó người quản trị viên hoàn toàn có thể truy xuất được nguồn gốc của tất cả những đồng tiền không hợp pháp. Trong khi đó, các hệ thống thông thường hầu như sẽ chỉ lưu lại các giao dịch của một tài khoản trong khoảng từ 5-10 năm.
  • Thứ hai, hệ thống Blockchain sử dụng một cơ chế lưu trữ dữ liệu phân tán thay vì sử dụng một cơ sở dữ liệu tập trung, do đó gần như không bao giờ có trường hợp người dùng mất tiền oan do lỗi từ phía ngân hàng hoặc từ đơn vị tổng quản, vì dữ liệu luôn luôn có cách để sao lưu và phục hồi.
  • Thứ ba, mọi dữ liệu của Blockchain đều được công khai một cách minh bạch, nhưng vẫn đảm bảo được tính toàn vẹn và chính xác. Chính vì thế, sẽ không bao giờ có tính trạng phía ngân hàng hoặc tổ chức lạm quyền để chuộc lợi về phía bản thân.
  • Cuối cùng, mỗi người dùng trong hệ thống Blockchain đều sẽ sử dụng một khóa bí mật để xác thực với hệ thống thay vì sử dụng thẻ ATM với một mã pin đơn giản. Điều này làm giảm thiểu đáng kể khả năng bị kẻ xấu lợi dụng hoặc đánh cắp.
Thực tế một điều là ở Việt Nam chúng ta hiện nay cũng đã có rất nhiều các công ty và tổ chức ứng dụng Smart Contract trong lĩnh vực giao dịch điện tử rồi đó :) chỉ là họ không muốn công khai kiến trúc hệ thống của họ ra mà thôi.

Ngoài ra Blockchain cũng thường được áp dụng trong các lĩnh vực quản lý và lưu trữ khóa công khai, xác thực, kiểm tra tính toàn vẹn của dữ liệu, …

2. Ứng dụng của Blockchain trong non-Security​

Riêng về phần này thì không chỉ trên thế giới mà ngay cả Việt Nam chúng ta cũng đã ứng dụng rất nhiều rồi, tuy nhiên vì phạm vi bài viết có hạn nên mình chỉ nêu lên một số ứng dụng tiêu biểu thôi nha.

Đầu tiên sẽ là ứng dụng của Blockchain trong lĩnh vực quản lý chuỗi cung ứng. Riêng về phần này thì có lẽ các bạn cũng đã thấy quá rõ rồi :) Hoạt động chuỗi cung ứng là các hành động liên quan tới việc quản lý các biến chuyển của tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu và các thành phần để hình thành nên một sản phẩm hoàn chỉnh. Dựa vào tính nhất quán và khả năng truy xuất nguồn gốc của dữ liệu, Blockchain giống như một mảnh ghép vừa vặn để giúp cho ngành logistics trở nên hoàn thiện hơn vậy.

block 2.jpeg

Các bạn có thể lên google và search “Blockchain trong logistics ở Việt Nam” thử xem, mình tin là số lượng kết quả sẽ nhiều hơn những gì bạn tưởng tượng đó.

Tiếp theo sẽ là ứng dụng của Blockchain trong lĩnh vực thương mại điện tử. Riêng cái này thì có một dự án cực to ở Việt Nam luôn, đó là VinFast ứng dụng Blockchain trong việc trải nghiệm đặt hàng (tham khảo thêm tại đây). Dự án này thì các bạn tìm trên google sẽ thấy cả rổ, nên có lẽ mình sẽ không cần đề cập tới nữa. Ngoài ra còn có một ứng dụng khác của Blockchain cũng nằm trong lĩnh vực thương mại điện tử, đó là việc sử dụng tiền điện tử trong chi tiêu hàng hóa. Đồng stablecoin VNDC của Việt Nam thậm chí cũng đã được rất nhiều các tổ chức/cá nhân cho phép thanh toán.

Cuối cùng là một ứng dụng mà chắc chắn ai trong số các bạn đọc ở đây cũng đã từng nghe qua, đó là game NFT :) Thật bất ngờ, một trong những game NFT đầu tiên xuất hiện trên thế giới đó chính là Axie Infinity nằm trong dự án Sky Mavis của CEO Nguyễn Thành Trung (1992). Đây là trò chơi cho phép người chơi thu thập, lai tạo và nuôi dưỡng thú cưng để chiến đấu với những người chơi khác, sau đó có thể kiếm tiền nhờ việc bán chiến lợi phẩm.

game-NFT-la-gi-1.1.jpg

Game NFT cũng có nội dung và hình thức giống hệt với các trò chơi thông thường khác, tuy nhiên thay vì việc xây dựng một cơ chế tiền tệ ảo thì dòng game này sẽ sử dụng trực tiếp các đồng tiền mã hóa để thực hiện các giao dịch trong game. Những đồng coin mà người chơi mua sẽ được sử dụng để sở hữu các trang bị, vật phẩm hay thú cưng trong game, sau đó những thứ này sẽ được sử dụng để đi chiến đấu với những người chơi khác, hoặc thực hiện các nhiệm vụ, thử thách. Những chiến lợi phẩm thu về có thể được bán để thu về lợi nhuận cho chính người chơi dưới dạng các đồng tiền mã hóa.

Game NFT có thể vừa là một hình thức giải trí mà cũng vừa là một phương pháp để kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên, lượng tiền kiếm ra từ game NFT là không nhiều, thậm chí sự biến động giá của đồng coin cũng có thể khiến cho các game thủ trở nên lỗ vốn so với những gì mà họ bỏ ra. Dẫu vậy, sự phát triển của game NFT cũng là bước đệm cho hàng loạt những ứng dụng kiếm tiền dựa trên NFT khác ra đời như giày chạy bộ NFT, bán bản quyền tranh bằng NFT, trao đổi vật phẩm hoặc hàng hóa trên NFT, …

3. Kết luận​

Được gòy, series “Blockchain, tiền điện tử cũng như các ứng dụng của nó trong Security” tới đây là kết thúc. Hy vọng series này đã cho các bạn thấy một cái nhìn bao quát nhất về thế giới Blockchain cũng như tiền điện tử. Các bạn nếu còn câu hỏi gì thì cứ mạnh dạn comment vào phía dưới bài viết nhé, mình sẽ giải đáp tất cả.

Thôi, nhà văn Tommy lại buồn ngủ rồi, hẹn gặp lại các bạn trong các series khác của mình nhé!

Tommy
 
Chỉnh sửa lần cuối bởi người điều hành:
Mời các bạn tham gia Group WhiteHat để thảo luận và cập nhật tin tức an ninh mạng hàng ngày.
Lưu ý từ WhiteHat: Kiến thức an ninh mạng để phòng chống, không làm điều xấu. Luật pháp liên quan
  • Thích
Reactions: l4zyc0d3r
Giờ mới biết Việt Nam có stable coin :V
 
Mời các bạn tham gia Group WhiteHat để thảo luận và cập nhật tin tức an ninh mạng hàng ngày.
Lưu ý từ WhiteHat: Kiến thức an ninh mạng để phòng chống, không làm điều xấu. Luật pháp liên quan
  • Haha
Reactions: Tommy_Nguyen
1 Comment
Tommy_Nguyen
Nếu không tính stablecoin thì Việt Nam cũng còn mấy đồng coin nữa cơ nhé
 
Thẻ
blockchain cryptocurrency nft smart contract
Bên trên