Inside Cyber Warfare - Chương XI: Vai trò của Không gian mạng trong Học thuyết Quân sự (Phần 2)

WhiteHat Team

Administrators
Thành viên BQT
09/04/2020
85
554 bài viết
Inside Cyber Warfare - Chương XI: Vai trò của Không gian mạng trong Học thuyết Quân sự (Phần 2)
Tiếp nối phần 1, tại phần 2 chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu về Vai trò của Không gian mạng trong Học thuyết Quân sự của Liên Bang Nga, để xem Chính sách Quân sự của Nga trong An ninh Thông tin Quốc tế sẽ có gì đặc biệt.​

Chính sách Quân sự của Nga trong An ninh Thông tin Quốc tế​

Có 5 tác giả được đề cập trong bài báo Tư tưởng quân sự Moscow (tiếng Anh), ngày 31/03/2007 (bản dịch tiếng Anh trên TheFreeLibrary.com): I.N. Dylevsky, S.A. Komov, S.V. Korotkov, S.N. Rodionov và A.V. Fedorov. Tuy nhiên, có rất ít thông tin về những người này. Trong số 5 người, S. A. Komov là nhà lý luận quân sự người Nga; Đại tá Sergei Korotkov trực thuộc Tổng Cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Liên bang Nga và A.V. Fedorov từng phục vụ trong Ban hỗ trợ phản gián vận tải của FSB.​

1673245541195.png

Bài báo​

Chuyên luận khá dài này nghiên cứu quan điểm của Nga về kế hoạch của các quốc gia khác trong lĩnh vực chiến tranh thông tin và những gì Liên bang Nga nên làm. Các tác giả đề xuất định nghĩa sau cho chiến tranh thông tin:

[Các] mục tiêu chính là làm xáo trộn (gián đoạn) hoạt động của các cơ sở và hệ thống quân sự, công nghiệp và hành chính chủ chốt của đối thủ, cũng như gây áp lực tâm lý-thông tin tới lãnh đạo, quân đội và dân chúng quân sự-chính trị của đối thủ, chủ yếu đạt được thông qua sử dụng các tài sản và công nghệ thông tin hiện đại.

Các tác giả cũng cảnh báo rằng Mỹ hoàn toàn có khả năng thực hiện “các chiến dịch tác chiến thông tin tâm lý và kỹ thuật”, đồng thời trích dẫn 3 tài liệu chứng tỏ quan điểm của mình:
  • Chỉ thị số 3600.1 của Bộ Quốc phòng, Tác chiến Thông tin. Tháng 10/2001
  • Lộ trình Tác chiến Thông tin của Bộ Quốc phòng. Ngày 30/10/2003
  • Tác chiến Thông tin JP 3-13. Ngày 13/2/2006
Mỗi tài liệu đều được phân tích trong “Học thuyết Quân sự của Trung Quốc”.

Để thúc đẩy hơn nữa sự cần thiết của Nga khi phải phát triển năng lực Tác chiến Thông tin (IO) của riêng mình, các tác giả tiếp tục chỉ trích Mỹ vì đã không hỗ trợ các nỗ lực của Liên hiệp quốc nhằm đảm bảo an ninh thông tin quốc tế:

Năm 1998, Liên bang Nga đề nghị với Liên hiệp quốc rằng cần phải củng cố các nỗ lực của cộng đồng thế giới để đảm bảo an ninh thông tin quốc tế. Kể từ đó, Đại hội đồng hằng năm thông qua nghị quyết “Phát triển lĩnh vực thông tin và viễn thông trong bối cảnh an ninh quốc tế”. Thực tế này tái khẳng định tầm quan trọng của việc đảm bảo an ninh thông tin quốc tế và sự sẵn sàng của Liên hiệp quốc trong việc nghiên cứu và giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, tiến độ cực kỳ chậm do Mỹ thể hiện thái độ bất hợp tác.

Ví dụ, đây là lý do tại sao một nhóm chuyên gia của chính phủ về an toàn thông tin quốc tế hoạt động dưới sự bảo trợ của Ủy ban thứ nhất Đại hội đồng Liên hiệp quốc từ năm 2004 đến 2005 không đạt được kết quả trong công việc của mình. Yếu tố gây khó khăn là đề nghị của Liên bang Nga (được Brazil, Belarus, Trung Quốc và Nam Phi ủng hộ) về sự cần thiết của việc nghiên cứu thành phần chính trị-quân sự của mối đe dọa đối với an ninh thông tin quốc tế.

Đáng tiếc là Mỹ kiên quyết từ chối giải quyết vấn đề an ninh thông tin ở cấp độ quốc tế. Tại kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 60 và 61, Mỹ là nước duy nhất bỏ phiếu chống lại nghị quyết nói trên. Không thể loại trừ rằng Washington sẽ có hành xử tương tự đối với nhóm chuyên gia mới mà Liên hiệp quốc sẽ thành lập vào năm 2009.


Có thể dự đoán rằng phần lớn tài liệu này vẽ ra các chính sách của Mỹ theo hướng tiêu cực, thậm chí đến mức cáo buộc quốc gia này cổ vũ cho “các cuộc cách mạng hoa” đã diễn ra ở các quốc gia từng nằm trong Liên bang Xô Viết và hiện được gọi là Khối thịnh vượng chung các quốc gia độc lập (CIS):

Một trường hợp điển hình là hậu quả về đạo đức-tâm lý và kinh tế-chính trị của một chuỗi các cuộc cách mạng “hoa” và “màu” được chủ mưu ở một số quốc gia trái với ý muốn của người dân (“cách mạng hoa hồng” ở Georgia, “cách mạng cam” ở Ukraine, “cuộc cách mạng tím” ở Iraq, “cách mạng hoa tulip” ở Kyrgyzstan và “cách mạng tuyết tùng” ở Lebanon). Đối với những kẻ chủ mưu của “các cuộc cách mạng hoa”, họ thu được lợi ích từ việc đưa các nhà lãnh đạo và chính phủ mong muốn lên nắm quyền.

Nhưng theo thời gian là khủng hoảng chính trị ở các quốc gia kể trên và suy giảm kinh tế không thể vượt qua.


Trớ trêu thay, Nga đã tiến hành phong cách chiến tranh thông tin của riêng mình đối với chính các quốc gia đó, bao gồm Chechnya (năm 2002), Kyrgyzstan (năm 2005 và 2009), Estonia (năm 2007), Lithuania (năm 2008) và Georgia (năm 2008), các cuộc tấn công vào mạng và trang web chính phủ được tiến hành bởi tin tặc phi chính phủ.

Tạo ra truyền thuyết tấn công mạng​

Việc Điện Kremlin giữ khoảng cách với các hoạt động của tin tặc theo chủ nghĩa dân tộc trong mỗi ví dụ nói trên có một số mục đích chính:

Theo quan điểm của chúng tôi, việc tách biệt chủ nghĩa khủng bố mạng và tội phạm mạng khỏi bối cảnh chung của an ninh thông tin quốc tế, phần nào đó, là phi lý và không dựa trên bất kỳ hoàn cảnh khách quan thực tại nào. Đó là bởi tác dụng của vũ khí “điều khiển học” không phụ thuộc vào động cơ nguồn cơn của việc phá hoại, mà chủ yếu là phân biệt các hành động khủng bố mạng, tội phạm mạng và tấn công mạng quân sự. Các thuộc tính còn lại của những hành động đó có thể hoàn toàn giống nhau. Thực tế, vấn đề nằm ở mục tiêu của một cuộc tấn công mạng,
khi đang bận chống đỡ một cuộc tấn công, sẽ chẳng ai được thông báo về động cơ dẫn đến vụ việc đó cả, do đó, sẽ chẳng thể coi những gì đang diễn ra là hành vi tội phạm, khủng bố hay chính trị-quân sự được. Càng nhiều cuộc tấn công kiểu như vậy thì càng dễ để coi đó là truyền thuyết về hoạt động của tội phạm hoặc khủng bố.

1673245583692.png

Sau khi xác định được tầm quan trọng chiến thuật của việc duy trì một “truyền thuyết” hoặc vỏ bọc cho một hành động chiến tranh mạng không thể phân biệt được với một hành động tội phạm mạng hoặc khủng bố mạng, các tác giả tiếp tục chỉ trích Mỹ trong việc bảo vệ luật pháp quốc tế có thể vi phạm công việc nội bộ của một quốc gia trong những vấn đề này:

Các đạo luật quốc tế điều chỉnh mối quan hệ phát sinh trong quá trình đấu tranh chống tội phạm mạng và khủng bố mạng không được bao gồm các chuẩn mực vi phạm nguyên tắc bất di bất dịch của luật pháp quốc tế như không can thiệp vào công việc nội bộ và chủ quyền của các quốc gia.

Hơn nữa, các cuộc tấn công mạng có động cơ chính trị được thực hiện theo lệnh của các cơ quan chính phủ có thể được coi là tội phạm quân sự bằng tất cả quy trình tiếp theo như điều tra và truy tố thủ phạm. Bên cạnh đó, các cuộc tấn công mạng quân sự có thể được coi là một chủ thể của Công pháp quốc tế. Trong trường hợp này, chúng ta nên nói về việc áp đặt các hạn chế đối với việc phát triển và sử dụng máy tính nhằm mục đích gây ảnh hưởng thù địch tới các đối tượng trong không gian mạng của các quốc gia khác.

Trong bất kỳ trường hợp nào, chính sách quân sự trong lĩnh vực an ninh thông tin quốc tế có liên quan đến việc chống lại khủng bố mạng và tội phạm mạng phải được hướng vào việc triển khai các cơ chế luật pháp quốc tế để có thể ngăn chặn những kẻ xâm lược tiềm năng sử dụng vũ khí mạng một cách không kiểm soát và lén lút để chống lại Liên bang Nga và các đồng minh địa chính trị của mình.


Họ cố gắng đưa ra một trường hợp mà các quy tắc quốc tế sẽ hạn chế khả năng của các quốc gia phương Tây trong việc hỗ trợ đảng đối lập ở các nước cộng hòa ly khai hiện được gọi là CIS:

Một trường hợp điển hình cho thấy sự can thiệp của nước ngoài vào các vấn đề của một quốc gia có chủ quyền là việc sử dụng nhiều trang web tiếng Anh và tiếng Nga để ủng hộ lực lượng đối lập ở Kyrgyzstan trong các cuộc biểu tình vào tháng 11/2006. Được đăng tải trên Internet, lời kêu gọi của các nhà lãnh đạo phe đối lập ủng hộ các cuộc biểu tình chống tổng thống với quy mô lớn đã gia tăng tình trạng bất ổn ở quốc gia này.

Điều thú vị là họ đề cập Kyrgyzstan và việc phe đối lập sử dụng Web để bày tỏ quan điểm bất đồng. Tuy nhiên, các tác giả cố gắng đưa ra tranh luận về tự do ngôn luận thay vì giải quyết hành động chiến tranh mạng được tin tặc Nga thực hiện để “bịt miệng” sự hiện diện trên Internet của phe đối lập một năm trước đó trong cuộc Cách mạng hoa Tulip (từ báo cáo đặc biệt của Open Net Initiative, 28/2/2005):

Vào ngày 26/2, một cuộc tấn công từ chối dịch vụ phân tán (DDoS) đã tạm thời vô hiệu hóa tất cả trang web được lưu trữ bởi các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) lớn của Kyrgyzstan (Elcat và Asialnfo). Các ISP này lưu trữ trang web của nhiều đảng phái chính trị Kyrgyzstan, cùng các hãng truyền thông và tổ chức phi chính phủ. Lưu lượng truy cập tăng đột biến liên quan đến sự cố dịch vụ lưu trữ của Elcat và Asialnfo đã khiến các ISP thượng nguồn ở Nga và châu Âu chặn quyền truy cập vào địa chỉ IP của Elcat và Asialnfo, do đó không thể truy cập trang web do các ISP này lưu trữ từ bên ngoài Kyrgyzstan.

Nghệ thuật đánh lạc hướng​

Đánh lạc hướng là một chiến thuật mà Liên bang Nga đã áp dụng thành công cho chiến lược quân sự của mình trong nhiều năm, đặc biệt là trong các cuộc đàm phán giải trừ vũ khí hạt nhân với Mỹ. Tuy nhiên, chiến thuật này chưa bao giờ được sử dụng một cách rõ ràng hoặc thường xuyên như trong thời kỳ xung đột mạng của thế kỷ này.

Để hiểu rõ nghệ thuật đánh lạc hướng được vận dụng nhuần nhuyễn như nào vào các sự kiện trên không gian mạng tại Chechnya, Ingushetia, Kyrgyzstan, Estonia và Georgia, thì quan trọng là phải biết về người đã thực hiện rất thành công nghệ thuật này, ảo thuật gia sân khấu nổi tiếng Ralph Hull.

Hull nổi lên trong giới ảo thuật sân khấu với tư cách là ảo thuật gia của ảo thuật gia. Nói cách khác, khán giả ưa thích của ông là các chuyên gia cùng nghề khác. Hull đã qua cái thời hài lòng với việc đánh lừa khán giả “thường dân”. Nghĩ ra một mánh khóe khiến các chuyên gia khác bối rối mới là mục tiêu cuối cùng của Hull. Ông đã thành công bằng chiêu đánh bài tên “The Tuned Deck - Bộ bài hòa hợp”.

Dưới đây là một cách truyền tải mà khán giả của Hull có thể đã nghe thấy khi ông thực hiện chiêu trò ảo thuật thượng thừa của mình:

Các chàng trai, tôi có một trò mới cho các bạn xem. Nó được gọi là The Tuned Deck.

Bộ bài Tây gồm 52 lá bài có sự đồng điệu đầy ma thuật. [Hull giữ bộ bài sát tai và trộn các lá bài, chăm chú lắng nghe âm thanh phát ra]. Từ độ rung được tinh chỉnh một cách tinh vi của chúng, tôi có thể nghe và cảm nhận vị trí của từng lá bài. Nào giờ hãy chọn ra một lá bài bất kỳ...


Một khán giả sẽ chọn ra một lá bài, nhìn xem nó là gì và trả về bộ bài. Sau đó, Hull sẽ đảo bộ bài bên tai của mình và rút ra chính xác lá bài mà khán giả đã chọn.

Không ai biết Hull đã thực hiện chiêu trò đó như thế nào cho đến khi ông chết và các chi tiết về “Bộ bài hòa hợp” được công bố. Bí mật của Hull đơn giản đến kinh ngạc. Ông ấy, giống như các đồng nghiệp của mình, biết nhiều cách để thực hiện mánh khóe này. Hãy đặt tên cho chúng là A, B, C, D và E. Khi một ảo thuật gia khác đoán rằng Hull đang sử dụng chiêu A, Hull sẽ lặp lại bằng cách sử dụng B. Nếu người khác nhận ra đây là “mánh” B, ông ta sẽ lặp lại nó bằng trò C và cứ như thế. Mỗi khi ai đó nghĩ rằng họ đã nhận ra chiêu trò của Hull, ông sẽ lập tức lặp lại theo một cách hơi khác và không ai nghĩ rằng ông sẽ quay trở lại với phương pháp mà họ đã đặt tên. Vì vậy trong suy nghĩ của khán giả, nó hẳn là một cái gì đó mới.

Điều này liên quan gì đến chiến lược quân sự của Nga? Không gì cả. Đánh lạc hướng không liên quan đến bất kỳ điều gì Hull làm trên sân khấu. Tài năng của Ralph Hull không nằm ở những gì ông làm mà ở những gì ông nói, trong cái cách ông đặt tên cho mánh khóe của mình - “The” Tuned Deck.


Bằng cách sử dụng mạo từ xác định “the”, Hull đã khiến khán giả chỉ liên tưởng đến một mánh khóe duy nhất còn trên thực tế ông lại đang trình diễn nhiều biến thể khác nhau của mánh đó.

Khi thảo luận về chiến tranh thông tin, cả trong các bài phát biểu và trên báo, các quan chức quân sự Nga chỉ ra một khả năng trong tương lai mà họ đang trong quá trình phát triển như là một biện pháp phòng thủ để chống lại năng lực của Mỹ được cho là tiên tiến hơn và có tính sẵn sàng cao hơn.

Họ định rõ cuộc tranh luận bằng cách chỉ ra những gì đối thủ của họ đang phát triển chính là những gì họ phải phát triển để bảo vệ tổ quốc. Sau khi định nghĩa Chiến tranh Thông tin là gì, họ sẽ tranh luận về một chế độ hiệp ước hạn chế sự phát triển năng lực của chính mình. Và đây là nghệ thuật đánh lạc hướng được chính phủ Nga vận dụng tài tình.

Điện Kremlin sẽ đàm phán về năng lực quân sự mà họ chưa dùng đến nhưng sẽ không đả động đến khối tài sản của tin tặc dân sự từng sử dụng. Trên thực tế, vấn đề thứ hai được xem là một phạm trù hình sự trong nước gây bất lợi cho các cuộc đàm phán quốc tế.​

Điều này đã được thấy rõ trong một câu chuyện được đăng trên New York Times ngày 27/06/2009, có tựa đề “Khác biệt Mỹ - Nga về Hiệp ước trên Không gian mạng”.

Washington đang thúc đẩy hợp tác quốc tế nhiều hơn giữa các cơ quan thực thi pháp luật, tương tự như Công ước của Hội đồng châu Âu về Tội phạm mạng, được ký bởi 22 quốc gia, ngoại trừ Nga và Trung Quốc.

Moscow thích một hiệp ước không phổ biến vũ khí tương tự như hiệp ước dành cho vũ khí hủy diệt hàng loạt (hóa học, sinh học, hạt nhân) nhưng kiên quyết chống lại mọi nỗ lực cho phép cơ quan thực thi pháp luật quốc tế truy đuổi tội phạm mạng trong vùng lãnh thổ của mình.
(Còn tiếp)
Nguồn: Inside Cyber Warfare
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Mời các bạn tham gia Group WhiteHat để thảo luận và cập nhật tin tức an ninh mạng hàng ngày.
Lưu ý từ WhiteHat: Kiến thức an ninh mạng để phòng chống, không làm điều xấu. Luật pháp liên quan
Bên trên