Phần lớn thẻ ATM tại Việt Nam vẫn dễ bị đánh cắp thông tin

04/06/2014
37
446 bài viết
Phần lớn thẻ ATM tại Việt Nam vẫn dễ bị đánh cắp thông tin
Trong số hơn 80 triệu thẻ nội địa đang được sử dụng tại Việt Nam (với khoảng 71,73 triệu thẻ ATM), đa phần vẫn là loại thẻ từ, công nghệ đã lạc hậu, tính bảo mật thấp, dễ bị đánh cắp thông tin và làm giả.

1489939943image1.jpg


Việc sử dụng thẻ chip ATM sẽ an toàn cao hơn. Ảnh: H.P

Thẻ từ: "mồi ngon" của tội phạm

Tại hội thảo Banking Việt Nam 2015 diễn ra ngày 19/5, ông Nguyễn Đăng Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần chuyển mạch Quốc gia Việt Nam cho hay, tại Việt Nam có dân số vào khoảng hơn 90 triệu người nhưng hiện đã có hơn 80 triệu thẻ các loại.

Trong đó, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Thu Hà, tính theo thị phần thì có tới 88,01% là thẻ ghi nợ nội địa (hay thẻ ATM) với 71,73 triệu thẻ; thẻ ghi nợ quốc tế chiếm 4,22%, tương đương 3,44 triệu thẻ…

Tuy nhiên đáng chú ý, trong đó đa số thẻ nội địa vẫn đang sử dụng thẻ từ - loại thẻ sử dụng công nghệ lưu trữ dữ liệu trên băng từ đã lạc hậu, tính bảo mật thấp, dễ bị đánh cắp thông tin, dễ bị làm giả, dễ bị nhiễu khi tiếp xúc với môi trường từ tính (máy tính, điện thoại...).

Ông Nguyễn Đăng Hùng cho hay, thời gian qua dù các ngân hàng đã có nhiều biện pháp tích cực trong việc chống gian lận thẻ như lắp đặt các thiết bị chống gian lận thẻ, camera giám sát tại điểm chấp nhận thẻ nhưng các vụ ăn cắp thông tin thẻ vẫn diễn ra ngày càng tinh vi.

Chỉ riêng năm 2011, lượng thẻ giả thu được tại Việt Nam là 350 thẻ với tổng số thiệt hại khoảng 3 triệu USD (khoảng 62,5 tỉ đồng). Tháng 8/2013, ba người nước ngoài quốc tịch Bulgaria cài đặt các thiết bị điện tử tại một số trạm ATM tại Nha Trang để đánh cắp thông tin khách hàng. Sau đó các đối tượng đã sử dụng thẻ ATM giả để rút hơn 100 triệu đồng. Gần đây nhất, năm 2014, một đối tượng người Trung Quốc cũng đã sử dụng 14 chiếc thẻ giả của các ngân hàng khác nhau để rút tiền tại ATM.

Chưa kể những vụ việc khác chưa được phát hiện, một số vụ việc nói trên cho thấy nguy cơ thẻ giả, gian lận thẻ đang ngày càng phức tạp tại Việt Nam.

Cũng theo ông Nguyễn Đăng Hùng, ngoài độ bảo mật thấp, thẻ từ còn hạn chế về khả năng lưu trữ thông tin cũng như tích hợp các ứng dụng, dịch vụ trên thẻ.

Với công nghệ lưu trữ dữ liệu trên băng từ, việc thêm bớt dữ liệu hoặc ứng dụng lên dải từ gần như là không thể.
Trước thực tế trên, các chuyên gia ngân hàng cho rằng trong điều kiện thực tế hiện nay, các ngân hàng Việt Nam cần nhanh chóng ứng dụng công nghệ mới như thẻ chip để nâng cao tiện ích thẻ và phòng chống gian lận thẻ hiệu quả hơn.

1489939943image2.jpg


Thẻ ATM chiếm hơn 88% tại Việt Nam. Ảnh: H.P

Công nghệ thẻ chip thanh toán sử dụng tiêu chuẩn EMV là công nghệ mới nhiều nước trên thế giới đang sử dụng để ngăn ngừa tình trạng gian lận thẻ nhờ khả năng chống được sao chép, giả mạo thẻ, xử lý thông tin nhanh chóng, tích hợp nhiều ứng dụng trên chip…

Ví dụ, Malaysia, từ một quốc gia có tỷ lệ thẻ giả mạo cao nhất thế giới (0,3% số lượng giao dịch thẻ là giao dịch gian lận) trở thành quốc gia đầu tiên hoàn thành công cuộc chuyển đổi sang thẻ chip tiêu chuẩn EMV. Trung Quốc, Anh, Singapore... cũng đã hoàn tất việc chuyển đổi thẻ thanh toán sang thẻ chip.

“Nếu so với trước đây, rủi ro thẻ gian lận từ thẻ từ tập trung ở các thị trường như Malaysia, Indonesia... thì từ khi các nước này chuyển đổi sang công nghệ thẻ chip, tội phạm đang dịch chuyển sang Việt Nam”, ông Nguyễn Đăng Hùng khuyến cáo.

Cần có kế hoạch tổng thể chuyển sang thẻ chip

Phân tích của một chuyên gia tại hội thảo cho thấy, vấn đề thẻ từ vẫn phổ biến và các ngân hàng chậm chuyển đổi sang thẻ chip là câu chuyện đã được đề cập từ nhiều năm nay.

Về cơ bản, nguyên nhân thẻ từ vẫn rất phổ biến là do thẻ chip có chi phí cao hơn (chi phí làm 1 thẻ từ thấp hơn thẻ chip khoảng 1 USD), nhiều ngân hàng cho rằng bài toán đầu tư không hợp lý nên chưa đẩy mạnh chuyển đổi.
Tuy nhiên về lâu dài, đặt trong xu thế phát triển và tình trạng gia tăng tội phạm, theo các chuyên gia công nghệ trong lĩnh vực ngân hàng, nhu cầu triển khai công nghệ thẻ chip vào hoạt động thẻ tại Việt Nam đang đòi hỏi một kế hoạch tổng thể và các giải pháp hiệu quả với từng bước.

Cụ thể, đó là vấn đề xây dựng Bộ tiêu chuẩn thẻ chip, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, triển khai ứng dụng công nghệ thẻ chip vào các sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng.

Ngoài ra, để đảm bảo việc triển khai thẻ chip thành công cần có sự hợp tác tích cực của của các bên liên quan như Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Công ty Chuyển mạch Tài chính Quốc gia Việt Nam, các ngân hàng thành viên và hãng sản xuất thẻ, thiết bị đầu cuối.

Trong đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là đơn vị định hướng cho sự phát triển của toàn bộ thị trường thanh toán, Công ty Chuyển mạch Tài chính Quốc gia Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển, hoàn thiện cơ sở hạ tầng thống nhất và đồng bộ để cung cấp cho hệ thống ngân hàng.

Ngoài ra, các ngân hàng thành viên sẽ thúc đẩy sự mở rộng và phát triển của ứng dụng thẻ chip tới khách hàng; các hãng sản xuất thẻ, thiết bị đầu cuối, giải pháp cần đề ra lộ trình nâng cấp, chuyển đổi phù hợp và phải đảm bảo tính khả thi của dự án, có thể triển khai mở rộng cho các ngân hàng…
Theo: ICTNews
 
Mời các bạn tham gia Group WhiteHat để thảo luận và cập nhật tin tức an ninh mạng hàng ngày.
Lưu ý từ WhiteHat: Kiến thức an ninh mạng để phòng chống, không làm điều xấu. Luật pháp liên quan
Bên trên