Bức tranh toàn cảnh về sự sụp đổ của đế chế LUNA

Tommy_Nguyen

Moderator
Thành viên BQT
06/04/2022
24
41 bài viết
Bức tranh toàn cảnh về sự sụp đổ của đế chế LUNA
Hello các bạn, lại là nhà văn Tommy đây! Như đã hứa với các bạn thì bài viết này mình đã tận dụng hết 200% công lực của mình để có thể lên bài sớm nhất có thể, thế nên chúng ta mới lại gặp nhau ở đây nè ^^.

terra-luna-founder-reveals-plan-to-save-crypto-and-stablecoin.png

Chủ đề hot nhất hiện nay là về sự sụp đổ của đế chế LUNA, nhưng để hiểu căn nguyên của vấn đề thì hãy cùng mình tìm hiểu nhé. Bài viết này sẽ giống như một phần spin off của series "Blockchain, Cryptocurrency và ứng dụng trong Security", nên ngoài ra các bạn có thể tham khảo nội dung của series chính tại đây.

Được rồi, hãy ngồi thật thoải mái và chuẩn bị cho mình một tách cà phê để cùng đàm đạo với mình nhé!

Có rất nhiều vấn đề trước khi phân tích về Luna thì chúng ta cần phải hiểu trước. Đó là:

Stablecoin

Stablecoin” có thể được dịch nôm na ra là “đồng coin ổn định”. Loại tiền này có thể được xem là cơ chế định giá cho các loại tiền ảo, tất nhiên không phải tất cả nhưng qua đó người dùng hiểu được phần nào về cách mà các nhà sáng lập ra tiền điện tử thực hiện để ấn định giá cho đồng tiền của mình.

Về khái niệm, “stablecoin” có thể được hiểu là một đồng coin mà giá trị của nó luôn được giữ trong trạng thái ổn định. Thông thường thì giá trị của đồng coin này sẽ được xác định theo một trong ba cách:
  • Dựa vào giá trị của tiền pháp định (Fiat-Collateralized Stablecoin)
  • Dựa vào giá trị của một đồng tiền mã hóa khác (Crypto-Collateralized Stablecoin)
  • Dựa vào thuật toán stablecoin (Algorithmic Stablecoin)
Đầu tiên, tiền pháp định là những đồng tiền đã được Chính phủ các nước công nhận và cho phép lưu hành, do đó giá trị của chúng luôn được giữ ở mức ổn định nhất có thể. Vì vậy, các nhà sáng lập ra tiền mã hóa đã nghĩ ra một phương pháp đó là giữ giá của đồng coin sao cho giống với giá trị của tiền pháp định nhất có thể. Các đồng stablecoin sử dụng cơ chế này thường sẽ lựa chọn các đồng tiền pháp định có mức độ ảnh hưởng lớn trên thế giới chẳng hạn như USD, EUR, GBP hoặc thậm chí là vàng, bạc, kim cương…

Thứ hai là cơ chế định giá stablecoin dựa vào giá trị của một đồng tiền mã hóa khác. Trong cơ chế này thì thay vì bỏ tiền pháp định ra mua, nhà đầu tư sẽ phải sử dụng một đồng coin khác để mua đồng stablecoin này. Tuy nhiên khác với cơ chế đầu tiên, trong cơ chế này thì các nhà đầu tư thường sẽ phải thế chấp vượt mức 1.5 lần so với giá trị vốn có của đồng coin để giảm thiểu sự rủi ro của biến động giá (tất nhiên là giảm thiểu rủi ro cho sàn giao dịch thôi, chứ còn đối với người dùng thì luôn luôn phải chịu thiệt rồi :)

Cuối cùng là cơ chế định giá dựa trên thuật toán stablecoin. Đây chính là cơ chế định giá của cặp LUNA - UST nổi tiếng mấy ngày nay (mình sẽ nói về đồng UST trong phần sau nhé). Các thuật toán hỗ trợ tăng và giảm giá của đồng coin sẽ được sử dụng một cách tự động để giữ giá của đồng coin luôn ở mức ổn định.

Giả sử nếu giá trị của đồng coin tăng, thuật toán sẽ sử dụng nhiều cách để giảm giá của đồng coin, chẳng hạn như giảm độ khó của thuật toán đồng thuận (giúp việc đào coin trở nên dễ dàng hơn, tạo ra coin nhanh hơn); tạo ra nhiều giao dịch ảo để lưu thông coin hơn (từ đó nhiều khối sẽ được xác thực hơn và nhiều coin cũng sẽ được tạo ra hơn)...

Còn nếu giá trị của đồng coin giảm, thuật toán sẽ thực hiện những phương pháp như tăng độ khó của thuật toán đồng thuận; giảm bớt lượng coin bán ra (giảm cung, kích cầu)...

Vậy Luna đã ra đời như thế nào?

Trước hết, LUNA có người “anh cùng cha cùng mẹ” - là đồng UST. Đồng tiền này chính là nguyên nhân khiến cả đế chế LUNA lụi tàn chỉ sau một thời gian ngắn đấy.

lunaust.jpg


Terra USD (UST) và Terra Luna (LUNA) là hai đồng tiền điện tử được phát hành bởi nhóm nghiên cứu TerraForm Labs, trong đó UST là một đồng stablecoin, còn LUNA thì không. Đồng UST sẽ luôn cố gắng duy trì giá trị của mình tương đương với 1 USD, nhưng không phải theo cơ chế dựa trên giá trị của tiền pháp định mà là theo cơ chế dựa trên thuật toán stablecoin.

Tuy nhiên, việc duy trì giá trị của đồng tiền dựa trên thuật toán vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, nên để dễ dàng hơn trong việc kiểm soát thì tổ chức này đã phát hành thêm một đồng tiền điện tử nữa là LUNA. Hiểu một cách đơn giản về mối quan hệ giữa LUNA và UST thì các bạn có thể tưởng tượng ra rằng khi những người xác thực khối của UST hoàn thành công việc, họ sẽ được thưởng bằng LUNA thay vì UST và ngược lại.

Nói như này có thể hơi chạnh lòng đối với các bạn fan của LUNA, nhưng đồng tiền này ra đời chỉ nhằm mục đích duy trì giá trị cho đồng UST mà thôi. Giá trị của đồng UST sẽ luôn được duy trì ở mức xấp xỉ 1 USD, trong khi LUNA thì có thể dao động tùy ý. Cụ thể, trong thời kỳ thị trường khủng hoảng, khi mà các chuyên gia tài chính đã nhận định rằng “Do Kwon sẵn sàng hy sinh LUNA để cứu sống UST” (Do Kwon là người đồng sáng lập và cũng là giám đốc điều hành của TerraForm Labs).

Tại sao “cặp anh em” UST - LUNA lại trở nên nổi tiếng?

Theo cá nhân mình thì có một số lý do như sau:

Kinh nghiệm và kỹ năng của những nhà sáng lập:

UST và LUNA được sáng lập bởi Daniel Shin và Do Kwon. Hãy cùng mình săm soi một chút về profile thuộc “hàng khủng” của họ nhé:
  • Daniel Shin: Trước khi trở thành Co-founder của TerraForm Labs, Daniel Shin đã từng sáng lập ra một nền tảng thương mại điện tử vô cùng nổi tiếng ở Hàn Quốc -Ticketmonster (TMON). Ngoài ra Shin còn là Co-founder của rất nhiều các dự án lớn khác. Linkedin của Daniel Shin đây nhé.
  • Do Kwon: Tốt nghiệp trường đại học Stanford danh giá, đã từng là Founder của một dự án khởi nghiệp tên là Anyfi. Ngoài ra thì anh cũng đã từng là kỹ sư phần mềm cho Microsoft và Apple. Linkedin của Do Kwon có thể xem tại đây.
Với profile của nhà sáng lập đáng gờm như vậy thì việc khiến các coin thủ đặt niềm tin vào UST và LUNA là hoàn toàn dễ hiểu phải không nào.

Giao thức tiết kiệm Anchor Protocol:

Terra có cung cấp một giao thức tiết kiệm được gọi là Anchor Protocol. Giao thức này cũng gần giống với việc gửi tiết kiệm ngân hàng, chỉ khác một điều đó là nó được sử dụng cho tiền điện tử thay vì tiền pháp định. Mức lãi suất của giao thức này được hứa hẹn với một con số cao đến khó hiểu: 20%/năm. Có khoảng 75% lượng UST đang lưu hành đã được gửi vào Anchor.

Ngoài ra đồng tiền mã hóa LUNA còn có một số tính chất nổi trội như sau:
  • Nguồn cung vô hạn và không bị giới hạn về số lượng
  • Chi phí giao dịch thấp
  • LUNA có quan hệ mật thiết với một đồng stablecoin đó là UST, nên rất dễ để có thể kiếm lời từ đồng LUNA khi mà giá trị của đồng UST dao động
Tất cả những phân tích ở trên cho thấy đầu tư vào LUNA quá hấp dẫn phải không nào?

Nhưng rồi Luna vẫn rớt giá?

Việc LUNA rớt giá bắt nguồn từ chính mức lãi suất cao khó hiểu của giao thức Anchor Protocol. Vào tháng 3 năm nay, do không thể đảm bảo được mức lãi suất như đã hứa nên Anchor đã thông qua một nghị quyết sẽ thay thế tỷ lệ lãi cố định bằng một tỷ lệ thay đổi.

photo1652339964342-1652339964417557922598.jpg

Tức là chẳng còn mức lãi suất trong mơ 20% nữa mà sẽ thay đổi tùy theo biến động thị trường. Tất nhiên, điều này là hoàn toàn hợp lý theo quy luật lên xuống của thị trường nhưng phần lớn nhà đầu tư thì không nghĩ vậy.

Chỉ một vài ngày sau khi nghị quyết được ban hành, đã có một lượng lớn UST được rút ra khỏi Anchor. Việc tự nhiên có một lượng lớn UST được lưu hành trở lại đã khiến cho thuật toán stablecoin “trở tay không kịp”. Điều này khiến cho giá trị của đồng UST không còn được giữ ở mức 1 USD nữa mà bị giảm nhẹ.

Khi mà giá trị của đồng UST không còn được duy trì ở mức 1 USD nữa, thì “người em” của nó sẽ bắt đầu có đất diễn. Lúc này, đồng tiền điện tử LUNA đang tăng giá và trông có vẻ rất có tiềm năng để đầu tư. Chính lý do đó mà một bộ phận lớn các nhà đầu tư đã tìm cách chuyển từ UST sang các đồng tiền điện tử khác, đặc biệt là LUNA. Điều này đã góp phần làm cho LUNA tiến tới thời kỳ đỉnh cao nhất của mình.

Đã có lúc, LUNA đạt đỉnh với mức giá 2,65 triệu VND/đồng.

Lại nói về UST, việc các nhà đầu tư bán tháo số lượng lớn UST trong thời gian ngắn đã khiến cho đồng tiền điện tử này tụt giá một cách tệ hại (diễn ra vào khoảng đầu tháng 5/2022).

Lúc đồng UST bị tụt giá thì thuật toán stablecoin được thiết kế trước đó sẽ cần phải thực hiện các biện pháp để tăng giá trị của đồng tiền về mức 1 USD. Cụ thể, thuật toán đã giảm bớt lượng coin bán ra (giống với việc giảm cung và kích cầu) bằng việc “đốt” bớt các đồng UST có trong hệ thống.

Khi mà có càng nhiều các giao dịch được thực hiện trong nền tảng UST (việc đốt coin cũng được coi là các giao dịch) thì sẽ có càng nhiều đồng LUNA được tạo ra. Điều đó đồng nghĩa với việc giá trị của đồng LUNA chắc chắn sẽ giảm sau hành động cứu vớt UST này.

Tâm lý của nhà đầu tư sẽ bắt đầu chuyển sang trạng thái “lo âu” và họ lại quyết định bán tháo LUNA. Và vì UST là một đồng stablecoin, còn LUNA thì không, nên chừng nào mà UST chưa về lại với giá 1 USD thì giá trị của đồng LUNA sẽ còn bị giảm. Chính vì lý do đó, cộng thêm với việc có hàng trăm triệu LUNA được tạo ra sau khi UST bị đốt thì giá trị của đồng LUNA đã bị tụt giảm một cách tệ hại. Thế mới nói, “lên voi xuống chó” là có thật :)

LUNA bị giảm sâu, nhiều nhà đầu tư sẽ bắt đầu tích trữ LUNA để mong rằng giá trị của nó sẽ phục hồi trở lại. Từ đó lại càng có nhiều giao dịch được thực hiện -> nhiều đồng UST được tạo ra -> giá trị của đồng UST giảm -> thuật toán stablecoin đốt bớt UST -> nhiều đồng LUNA được tạo ra -> giá trị của đồng LUNA giảm -> …Từ đó 1 vòng luẩn quẩn không hồi kết được tạo thành, và nó đã kéo giá trị của cả 2 đồng tiền này xuống vực thẳm.

Thất bại của cặp LUNA - UST này phần lớn là đến từ thuật toán stablecoin, do đó điều này rất khó để sửa chữa. Chính vì thế, tổ chức Terra đã quyết định cho ra đời phiên bản 2 của đồng tiền điện tử LUNA để sửa chữa lỗi lầm của mình. Đồng tiền này có đi vào vết xe đổ của người đàn anh phía trước không, chúng ta hãy cùng chờ xem nhé!

Những hệ lụy theo sau

Sự sụp đổ của cặp tiền LUNA-UST kéo theo rất nhiều hệ lụy phía sau, thậm chí nó còn ảnh hưởng tới toàn bộ thị trường tiền mã hóa. Một vài hệ lụy nghiêm trọng mà chúng ta có thể kể đến:
  • Đầu tiên, tất nhiên người chịu thiệt thòi nhất vẫn là người dùng rồi. Các bạn có thể tưởng tượng rằng nếu vào ngày 04/04/2022 các bạn sở hữu một lượng LUNA có giá trị khoảng 2.6 tỷ việt nam đồng, thì tới ngày 13/05/2022 lượng LUNA đó chỉ còn giá trị vào khoảng 1 triệu rưỡi :)
  • Thứ hai, khi mà một trong những “ông lớn” của thế giới tiền điện tử sụp đổ, đa số người dùng đều sẽ rơi vào cảm giác lo sợ và không còn dám đầu tư nữa, từ đó các đồng tiền điện tử khác cũng sẽ bị tụt giá theo. Ví dụ điển hình nhất cho điều này chính là “ông vua tiền số” - Bitcoin.
  • Các sàn mua bán tiền điện tử cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi sự sụp đổ này, mặc dù điều đó là không nhiều.
Và khi mà thị trường tiền điện tử bị suy thoái, rất nhiều các công ty/doanh nghiệp có ứng dụng tiền điện tử trong hệ thống của họ cũng sẽ chịu tác động. Một ví dụ rõ ràng nhất trong trường hợp này đó là Sky Mavis - chủ sở hữu của game NFT nổi tiếng bậc nhất hiện nay: Axie Infinity. Sau sự sụp đổ của LUNA, giá trị của đồng tiền ASX - là đồng tiền mã hóa được sử dụng trong game - cũng lao dốc không phanh.

Vậy, có nên chơi tiền mã hóa hay không?

Câu trả lời của mình là: Các bạn chỉ nên chơi khi các bạn hiểu rất rõ về đồng tiền mà mình định chơi. Tuy nhiên cũng chỉ nên chơi cho biết, chứ không nên lấy đó làm một trong các kế hoạch đầu tư dài hạn của bản thân, bởi vì tiền mã hóa là một thứ không được công nhận bởi bất kỳ một tổ chức có thẩm quyền nào.

Hy vọng bài viết này đã cung cấp cho các bạn một cái nhìn bao quát về đồng tiền mã hóa LUNA cũng như lý do mà nó sụp đổ. Hẹn gặp lại các bạn trong các bài viết chuyên môn sắp tới của mình nhé!

After credit: Có ai đang chơi game NFT không nhỉ :v bài tiếp theo cũng sẽ nói về điều này nha.

Tommy
 
images.jpg
 
Mời các bạn tham gia Group WhiteHat để thảo luận và cập nhật tin tức an ninh mạng hàng ngày.
Lưu ý từ WhiteHat: Kiến thức an ninh mạng để phòng chống, không làm điều xấu. Luật pháp liên quan
Comment
Thẻ
blockchain cryptocurrency luna ust
Bên trên