Inside Cyber Warfare - Chương IV: Tấn công mạng quốc tế là hành vi chiến tranh (Phần 2)

WhiteHat News #ID:2018

WhiteHat Support
20/03/2017
129
444 bài viết
Inside Cyber Warfare - Chương IV: Tấn công mạng quốc tế là hành vi chiến tranh (Phần 2)
Chương 4: Tấn công mạng quốc tế là hành vi chiến tranh?
Trong phần hai này, tác giả đã đưa ra những thách thức liên quan đến vấn đề về các chủ thể phi quốc gia trong luật chiến tranh cũng như đưa ra các phân tích về các cuộc tấn công mạng theo khuôn khổ luật chiến tranh, chứng minh các quốc gia nạn nhân có quyền đáp trả bằng vũ lực chống lại các quốc gia "chứa chấp" đã bỏ bê nhiệm vụ ngăn chặn các cuộc tấn công mạng.
Chủ thể phi quốc gia và luật chiến tranh
Luật pháp quốc tế coi mỗi quốc gia là một nước có chủ quyền và cấm các quốc gia gây chiến hoặc can thiệp vào các vấn đề của quốc gia khác. Khi một quốc gia từ bỏ các quyền này để tấn công một quốc gia khác, không thể nói việc từ bỏ này là do các cá nhân của quốc gia đó lựa chọn thực hiện hành vi phạm tội chống lại quốc gia khác. Do đó, các cuộc tấn công quốc tế được thực hiện bởi các chủ thể phi quốc gia đang làm phức tạp hơn khuôn khổ chung của quyền gây chiến tranh (jus ad bellum).

Mặc dù quyền gây chiến tranh vẫn đưa ra một số hướng dẫn về các cuộc tấn công của các chủ thể phi quốc gia, dù rất ít. Tuy nhiên, sự leo thang của chủ nghĩa khủng bố xuyên quốc gia đã thách thức các tiêu chuẩn truyền thống của quyền gây chiến tranh, và các quốc gia buộc phải mở rộng các tiêu chuẩn để đối phó với các cuộc tấn công của các chủ thể phi quốc gia. Ngày nay, quyền gây chiến tranh cung cấp cho các quốc gia một khuôn khổ thiết thực nhằm phân tích các cuộc tấn công của các chủ thể phi quốc gia.

Để hiểu hơn về việc liệu các quốc gia có thể đối phó với tấn công mạng bằng vũ lực hay không, cần phải phân tích về luật cơ bản bao trùm các cuộc tấn công của các chủ thể phi quốc gia. Bắt đầu bằng phân tích về việc liệu một cuộc tấn công vũ trang của các chủ thể phi quốc gia có thuộc phạm vi luật chiến tranh hay không, tiếp đến là trách nhiệm của một quốc gia liên quan đến các chủ thể phi quốc gia hoạt động trên lãnh thổ nước mình, rồi các cách để quy trách nhiệm cho một quốc gia trước hoạt động của các chủ thể phi quốc gia, và cuối cùng kết thúc bằng các chiến dịch xuyên biên giới hợp pháp chống lại quốc gia đó.

nguyco_chuquyenquocgia.jpg

Ảnh minh họa (Nguồn Internet)
Tấn công vũ trang bởi các chủ thể phi quốc gia

Mặc dù vấn đề về các cuộc tấn công vũ trang của các chủ thể phi quốc gia không được đưa vào bản dự thảo của Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế cũng đã có tiến triển trong việc cho phép các quốc gia áp dụng luật tự vệ trước các cuộc tấn công của các chủ thể phi quốc gia. Tính hợp lệ của nguyên tắc này đã được củng cố bằng phản ứng của cộng đồng quốc tế đối với các cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9.

Sau vụ tấn công ngày 11/9, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã thông qua Nghị quyết 1368, tái khẳng định quyền tự chủ vốn có của Hoa Kì theo quy định tại Điều 51 của Hiến chương. Hai tuần sau khi chắc chắn rằng Al Qaeda đứng sau các vụ tấn công, Hội đồng Bảo an đã thông qua Nghị quyết 1373 để một lần nữa khẳng định quyền tự chủ vốn có của Hoa Kì. Những Nghị quyết này mang tầm quan trọng đáng kể bởi các cuộc tấn công ngày 11/9 có thể được giải quyết theo Điều 42 trong Hiến Chương, nhưng thay vào đó lại được giải quyết theo Điều 51 mặc dù những cuộc tấn công này đều liên quan đến các chủ thể phi quốc gia.

Ngoài ra, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, Tổ chức các quốc gia châu Mỹ và Úc đều viện dẫn các quy định về tự vệ nhóm trong Hiệp ước quốc phòng nhằm hỗ trợ Hoa Kì trong việc đáp trả các cuộc tấn công ngày 11/9. Cuối cùng, rất nhiều các quốc gia khác đã tuyên bố ủng hộ Hoa Kì chống lại Al Qaeda. Không thể chối cãi rằng, với sự hỗ trợ nhiệt tình của cộng đồng quốc tế trong việc coi các cuộc tấn công ngày 11/9 là hành vi chiến tranh, các quốc gia có thể áp dụng luật phòng vệ để đối phó với các cuộc tấn công vũ trang được thực hiện bởi các chủ thể phi quốc gia.

Tuy nhiên, khi các cuộc tấn công từ các chủ thể phi quốc gia bị kiểm soát bởi luật chiến tranh, luật này lại buộc các quốc gia đáp trả bằng vũ lực chỉ khi các cuộc tấn công được gán trách nhiệm cho một quốc gia. Điều này có nghĩa rằng các quốc gia cũng phải chịu một phần trách nhiệm về hành động của các chủ thể phi quốc gia. Chính vì vậy, bước tiếp theo trong việc quy trách nhiệm là xem xét trách nhiệm quốc gia liên quan đến các chủ thể phi quốc gia trên lãnh thổ nước mình.

Trách nhiệm giữa các quốc gia

Có một nguyên tắc lâu đời trong luật pháp quốc tế yêu cầu “một Nhà nước có trách nhiệm thực hiện các bước rà soát đặc biệt để ngăn chặn hành vi phạm tội chống lại một quốc gia khác hoặc công dân nước đó.” (5)

Chú thích (5): Schmitt, ghi chú 2, 540-41 (trích dẫn John Basset Moore trong S.S.Lotus [Fr. Và Turk.] 1927 P.C.I.J [ser. A] số 10, 4, 88 [Moore, J., dissenting]).

Nguyên tắc này được đưa vào nhiều tuyên bố nhà nước, ý kiến tư pháp (judicial opinion) và công bố của các học giả hàng đầu. Những tuyên bố của nhà nước ủng hộ nguyên tắc này bao gồm tuyên bố về Quan hệ thân thiện 1970, thúc đẩy các quốc gia “hạn chế…đồng ý các hoạt động được tổ chức trong lãnh thổ [của họ] nhắm vào vi phạm xung đột dân sự hoặc khủng bố ở một quốc gia khác”; tuyên bố 1994 về các biện pháp loại trừ chủ nghĩa khủng bố; và tuyên bố 1996 về tăng cường an ninh quốc tế, trong đó nói rằng các quốc gia “phải hạn chế việc tổ chức, xúi giục, hỗ trợ hoặc tham gia các hành vi khủng bố trên lãnh thổ các quốc gia khác, hoặc tham gia và khuyến khích các hoạt động trên lãnh thổ của họ hướng đến thực hiện các hành vi đó”. Luật án lệ quốc tế cũng ủng hộ nguyên tắc này.

Trong vụ kiện Corfu Channel, tòa án Công lý Quốc tế cho rằng các quốc gia có nghĩa vụ “không cho phép sử dụng lãnh thổ của mình một cách có chủ ý vào các hành vi trái với quyền lợi của các quốc gia khác” (6). Ở Tehran, họ đã tái khẳng định rằng “các quốc gia phải tuân theo luật quốc tế để thực hiện các hành vi đúng đắn nhằm bảo vệ quyền lợi” của các quốc gia khác trước hành động bởi các chủ thể phi quốc gia trong biên giới của họ (7).

Chú thích (6): Vụ kiện Corfu Channel (Merits), 1949 I.C.J Rep. 4, 22 (Ngày 9 tháng 4).

Chú thích (7): Trường hợp liên quan đến nhân viên ngoại giao và lãnh sự Hoa Kỳ tại Tehran, 1980 I.C.J Rep 3, 32-33, 44 (Ngày 24 tháng 5).

Tóm lại, rõ ràng hai cơ sở của luật quốc tế là thông lệ quốc gia cũng như quy phạm pháp lý bắt buộc (opinio juris) đều cho rằng các quốc gia có nghĩa vụ khẳng định trong việc ngăn chặn các chủ thể phi quốc gia trong biên giới của mình thực hiện các cuộc tấn công vũ trang nhắm vào các quốc gia khác. Sự khoan dung đối với các cuộc tấn công này được coi là vi phạm luật pháp quốc tế.

Do đó, khi quốc gia chứa chấp có khả năng ngăn chặn cuộc tấn công vũ trang bởi các chủ thể phi quốc gia trong lãnh thổ nhưng không thực hiện, họ đã vi phạm nghĩa vụ của mình theo luật quốc tế. Tuy nhiên, việc mong đợi các quốc gia ngăn chặn hoàn toàn các cuộc tấn công vũ trang bởi các chủ thể phi quốc gia là không thực tế, bởi yếu tố quyết định trong việc đánh giá hành vi của quốc gia là những gì quốc gia đó làm để giải quyết những mối đe dọa tiềm tàng và liệu quốc gia đó đã có những bước đi thực tế để ngăn chặn tấn công xảy ra.

Với mỗi quốc gia, nghĩa vụ ngăn chặn các cuộc tấn công không có nghĩa rằng các quốc gia phải chịu trách nhiệm với mọi cuộc tấn công xuyên biên giới của các chủ thể phi quốc gia bắt nguồn từ lãnh thổ của họ. Tuy nhiên, nó thu hẹp khoảng cách giữa hành động của các chủ thể phi quốc gia và các quốc gia. Trách nhiệm của quốc gia trong các cuộc tấn công xuyên biên giới bởi các chủ thể phi quốc gia sẽ được nêu rõ ở phần tiếp theo.

Trách nhiệm của quốc gia đối với hành động của các chủ thể phi quốc gia

Trách nhiệm pháp lý của nhà nước đối với các hành vi của các chủ thể phi quốc gia là vấn đề nổi cộm trong vài thập kỷ qua. Trước năm 1972, các quốc gia nói chung không phải chịu trách nhiệm về các hành vi của các chủ thể phi quốc gia. Chỉ các hành vi của cơ quan thuộc quốc gia chứa chấp mới bị quy trách nhiệm, và trách nhiệm của nhà nước chỉ xuất phát từ những hành vi của các đại diện đủ điều kiện thuộc nhà nước đó. Các đại diện đủ điều kiện bao gồm các chủ thể thuộc quyền quản lý trực tiếp và hành động theo chỉ đạo của nhà nước đó. Qua thời gian, luật pháp quốc tế chuyển từ cách tiếp cận kiểm soát trực tiếp sang tiếp cận trách nhiệm gián tiếp liên quan đến hành vi của các chủ thể phi quốc gia.

Sự thay đổi này bắt đầu từ buổi họp đưa ý kiến của Tòa án Hình sự Quốc tế về Nam Tư cũ quy trách nhiệm quốc gia trong vụ Tadic, trong đó sửa đổi kiểm soát trực tiếp thành “kiểm soát toàn diện”, dù cho nhà nước đó không chỉ đạo hành động nghi vấn của các chủ thể phi nhà nước (8). Mặc dù việc kiểm soát toàn diện vẫn còn là một hình thức của kiểm soát trực tiếp, quan điểm này đánh dấu sự nới lỏng đáng kể về tiêu chuẩn trách nhiệm của nhà nước.

Chú thích (8): Khởi tố vụ Tadic, số IT-94-1-A, I.C.T.Y App. Ch, 49 (15/7/1999)

Sự chuyển đổi sang trách nhiệm gián tiếp được tiếp tục đến giữa năm 2001, với sự đồng thuận rằng mọi hành vi vi phạm nghĩa vụ quốc tế của nhà nước đối với các quốc gia khác, cho dù là luật hiệp ước hay luật tập quán, là kết quả của hành động hay những thất bại trong hành động của nhà nước, đều phải chịu trách nhiệm quốc tế (9). Sự đồng thuận này được củng cố sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9 tại Hoa Kỳ, là tiền đề cho khuôn khổ trách nhiệm nhà nước ngày nay.

Chú thích (9): Xem bản dự thảo bài viết năm 2001 về Trách nhiệm của các quốc gia đối với các hành vi sai trái quốc tế, tài liệu Liên Hợp Quốc A/ CN.4/ L.602/ Rev. 1 (2001). Bản dự thảo được giao cho chính phủ vào năm 2001 và 2004. Xem G.A. Res. 56/83, UN Doc. A/RES/56/83 (28 tháng 1, 2002); G.A. Res. 59/35, UN Doc. A/RES/ 59/35 (16 tháng 12, 2004)

Ngày 11/9/2011 đánh dấu sự thay đổi trách nhiệm của nhà nước từ mô hình kiểm soát trực tiếp sang trách nhiệm gián tiếp. Vào ngày hôm đó, những kẻ khủng bố Al Qaeda đã tấn công bốn máy bay, khiến ba trong số đó đâm vào các tòa nhà ở Hoa Kỳ, và giết hơn 3000 công dân Mỹ. Tổ chức khủng bố Al Qaeda có trụ sở tại Afghanistan, lúc đó đứng đầu là Taliban. Dù Taliban chứa chấp tổ chức khủng bố Al Qaeda và thỉnh thoảng cung cấp hỗ trợ về hậu cần, Taliban không thực hiện kiểm soát thực sự và cũng không kiểm soát toàn diện Al Qaeda. Hơn nữa, cũng không có chứng cứ chỉ ra rằng Taliban đã biết trước về cuộc tấn công ngày 9/11, thậm chí việc này đã được chứng thực sau khi sự việc xảy ra. Tuy nhiên, bất chấp tất cả những điều này, thế giới cho rằng những hành vi của Al Qaeda được gán hợp pháp cho Taliban, theo đó là Afghanistan, bởi vì Taliban đã chứa chấp và che chở Al Qaeda ngay cả khi đã được cảnh báo.
tan-cong-khung-bo-11.09.jpg

Vụ tấn công khủng bố ngày 11/09/2001 (Nguồn: Internet)

Do đó, sau ngày 11/9, trách nhiệm của quốc gia được dựa trên sự thất bại của quốc gia đó trong việc thực thi nghĩa vụ quốc tế nhằm ngăn chặn các chủ thể phi quốc gia sử dụng lãnh thổ của mình để tấn công các quốc gia khác. Như vậy, không cần thiết phải có mối quan hệ nhân quả giữa người phạm tội và một quốc gia; thay vào đó chỉ cần sự thất bại của một quốc gia khi giữ vững trách nhiệm của mình nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công từ trong chính lãnh thổ của mình vào các quốc gia khác. “Do đó, sự thụ động hay thờ ơ của một quốc gia trước hành động của [các chủ thể phi quốc gia] trong phạm vi lãnh thổ nước mình có thể khiến họ phải chịu trách nhiệm, thậm chí cùng mức độ như thể họ đã tích cực tham gia vào việc lập kế hoạch” (10). Phần lớn các phân tích pháp lý liên quan đến việc liệu một nhà nước có phải chịu trách nhiệm hay không đều sẽ cần đến phân tích nhân tố về vệc nhà nước đó có thể nỗ lực nhiều hơn nữa để ngăn chặn cuộc tấn công hay không.”

Chú thích (10): Proulx, Vincent-Joel. 2005. “Khủng bố giữ trẻ: Các quốc gia có nên chịu trách nhiệm về việc không ngăn chặn các cuộc tấn công xuyên biên giới không?” Theo Tạp chí Luật quốc tế Berkeley: 23, 615-24.

Tuy nhiên, ngay cả khi các quốc gia phải chịu trách nhiệm với các cuộc tấn công vũ trang của các chủ thể phi quốc gia thì các quốc gia vẫn có thể bị cấm đáp trả lại bằng vũ lực. Bước phân tích pháp lý cuối cùng là xem xét tính hợp pháp của các hoạt động xuyên biên giới chống lại các quốc gia khác.

Hoạt động xuyên biên giới

Các hoạt động xuyên biên giới vào lãnh thổ của một quốc gia vi phạm là hệ quả tất yếu của việc quy trách nhiệm quốc gia đối với các cuộc tấn công vũ trang của các chủ thể phi quốc gia. Tuy nhiên, để tự vệ, các quốc gia cần phải đáp ứng một số yêu cầu pháp lý trước khi đến lãnh thổ một quốc gia khác để truy lùng tìm kẻ xâm lược phi quốc gia. Để hiểu rõ hơn tại sao các quốc gia có thể vi phạm quyền toàn vẹn lãnh thổ quốc gia chứa chấp và các yêu cầu cần phải đáp ứng, trước hết phải xem xét các lệnh cấm chung của Hiến chương Liên Hợp Quốc về việc sử dụng vũ lực đối với một quốc gia khác.

Quyền tự vệ thường được ưu tiên hơn quyền toàn vẹn lãnh thổ. Nguyên tắc cơ bản của hành động này là khi một quốc gia vi phạm sự toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia khác, thì cũng sẽ đi mất quyền toàn vẹn lãnh thổ của mình. Nguyên tắc này được hình thành mà không dựa vào các cuộc tấn công giữa các quốc gia, nhưng cũng có thể được áp dụng khi các quốc gia chịu trách nhiệm gián tiếp đối với các hành vi vi phạm toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia khác bởi các chủ thể phi quốc gia. Điều quan trọng là liệu quốc gia chứa chấp có ngăn chặn các hành vi phạm tội chống lại quốc gia nạn nhân trong lãnh thổ của mình hay không.

Như thường lệ, trước khi một quốc gia hành động để tự vệ, họ phải đảm bảo được các tiêu chí về sự cần thiết, sự cân đối và tình trạng sắp xảy ra của cuộc chiến nếu sử dụng quyền tự vệ phỏng đoán. Kết quả là, một quốc gia không cần có giải pháp thay thế khả thi đối với việc sử dụng vũ lực, và phải hạn chế việc sử dụng vũ lực nhằm bảo vệ các mục tiêu phòng thủ.

Việc áp dụng các yêu cầu này có thể thay đổi dựa vào việc hành vi của các chủ thể phi quốc gia được quy kết dựa trên tiêu chí về sự kiểm soát trực tiếp hay quy kết gián tiếp. Trong trường hợp có sự kiểm soát trực tiếp, nhà nước nạn nhân có thể ngay lập tức gán trách nhiệm cho quốc gia chứa chấp và có hành động tự vệ chống lại quốc gia và các chủ thể phi quốc gia đó. Trong trường hợp quy kết gián tiếp, quốc gia nạn nhân cần phải vượt qua một trở ngại khác trước khi tiến hành các hoạt động xuyên biên giới, và đảm bảo rằng đã chứng minh được mối quan hệ giữa hành động của các chủ thể phi quốc gia với nước chứa chấp. Điều này có thể được thực hiện bằng việc ban hành một tối hậu thư tới “quốc gia chứa chấp” để tuân thủ nghĩa vụ quốc tế của họ.

Đáp lại, “quốc gia chứa chấp” phải hoặc chống lại các chủ thể phi quốc gia, hoặc sẵn sàng cho phép quốc gia nạn nhân vào lãnh thổ của mình và thực hiện các hoạt động trả đũa chống lại các chủ thể phi quốc gia. Bên cạnh đó, quốc gia nạn nhân có thể gán trách nhiệm và thực hiện các hoạt động xuyên quốc gia vào lãnh thổ quốc gia chứa chấp. Tuy nhiên, nếu làm như vậy, quốc gia nạn nhân phải hạn chế mục tiêu nhắm vào các chủ thể phi quốc gia, trừ khi nước chủ nhà sử dụng vũ lực để phản đối các hoạt động xuyên quốc gia hợp pháp.

Dựa trên các phân tích trước đó, rõ ràng các quốc gia nạn nhân có thể đáp trả bằng vũ lực trước các cuộc tấn công vũ trang bởi các chủ thể phi quốc gia ở quốc gia chứa chấp khi quốc gia này vi phạm nghĩa vụ ngăn chặn tấn công. Với tấn công không gian mạng, việc gán trách nhiệm của nhà nước theo cách này chính là tạo ra một hướng đi hợp pháp để các quốc gia có thể tận dụng phương pháp phòng thủ chủ động mà không phải quy trách nhiệm cụ thể cho một quốc gia hoặc các tác nhân của họ. Trên thực tế, việc gán trách nhiệm là tương đương với việc quy kết cuộc tấn công cho quốc gia hoặc các tác nhân của họ. Do đó, việc quy trách nhiệm này chỉ ra một hướng đi xung quanh vấn đề gán trách nhiệm và khủng hoảng phản ứng. Tuy nhiên, việc tồn tại một hành lang pháp lý giúp ‘tránh né’ yêu cầu quy trách nhiệm cho một quốc gia trước các cuộc tấn công vũ trang không có nghĩa là các cuộc tấn công mạng do các chủ thể phi quốc gia thực hiện phải theo khuôn khổ này. Do đó, việc bắt buộc là giải thích tại sao cuộc tấn công mạng lại cấu thành tấn công vũ trang, nhiệm vụ của nhà nước nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công mạng là gì, các tình huống thực tế cho phép các quốc gia nạn nhân phản ứng lại các quốc gia tấn công.


Nguồn: Inside Cyber Warfare

Tác giả: Jeffrey Carr



  • Inside Cyber Warfare - Chương I: Đặt vấn đề (Phần 1)
    Inside Cyber Warfare - Chương I: Đặt vấn đề (Phần 2)
    Inside Cyber Warfare - Chương II: Sự nổi dậy của tin tặc phi chính phủ (Phần 1)
    Inside Cyber Warfare - Chương II: Sự nổi dậy của tin tặc phi chính phủ (Phần 2)
    Inside Cyber Warfare - Chương II: Sự nổi dậy của tin tặc phi chính phủ (Phần 3)
    Inside Cyber Warfare - Chương III: Vấn đề pháp lý trong chiến tranh mạng (Phần 1)
    Inside Cyber Warfare - Chương III: Vấn đề pháp lý trong chiến tranh mạng (Phần 2)
    Inside Cyber Warfare - Chương III: Vấn đề pháp lý trong chiến tranh mạng (Phần 3)

    Inside Cyber Warfare - Chương IV: Tấn công mạng quốc tế là hành vi chiến tranh (Phần 1)
     
    Chỉnh sửa lần cuối:
    Bên trên